Những kịch bản dự báo tác động kinh tế từ cuộc xung đột tại Dải Gaza tới tăng trưởng và lạm phát toàn cầu đã được đưa ra.
Đã gần 2 tuần trôi qua kể từ khi xung đột tại Dải Gaza giữa Israel và lực lượng Hamas bùng phát. Hiện nhiều cảnh báo đã được đưa ra liên quan đến nguy cơ xung đột có thể lan rộng tại Trung Đông – rốn dầu của thế giới. Rất nhanh chóng, nhiều kịch bản dự báo tác động kinh tế từ cuộc xung đột này tới tăng trưởng và lạm phát toàn cầu đã được đưa ra.
Điểm chung của các dự báo này đó là rủi ro giá dầu tăng, lạm phát cao hơn và niềm tin bị ảnh hưởng… có nguy cơ làm suy yếu đà tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay.
Tại cuộc họp báo mới nhất, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bà Kristalina Georgieva cho rằng, cuộc xung đột Hamas – Israel là “đám mây đen mới, phủ bóng triển vọng” của nền kinh tế toàn cầu.
Còn ông Jamie Dimon – CEO ngân hàng lớn nhất Mỹ JPMorgan Chase đưa ra cảnh báo với nhà đầu tư: “Hiện tại có thể là thời kỳ nguy hiểm nhất mà thế giới phải đối mặt trong vài thập kỷ qua”.
Ông cho rằng xung đột tại Ukraine và tại Dải Gaza có thể ảnh hưởng vượt xa hơn nữa lên thị trường năng lượng, lương thực, thương mại và địa chính trị toàn cầu.
Có 3 kịch bản tác động kinh tế đã được các chuyên gia của Bloomberg Economics đưa ra. Kịch bản thứ nhất đó là xung đột mang tính giới hạn, hầu như không tác động gì. Giá dầu sẽ tăng 4 USD/thùng. Lạm phát toàn cầu tăng 0,1 điểm %, còn GDP toàn cầu giảm 0,1 điểm %.
Kịch bản thứ hai đó là tác động cũng không đáng kể. Tuy nhiên với sự tham gia của các lực lượng ủy nhiệm, xung đột sẽ kéo dài hơn, lúc này giá dầu sẽ tăng khoảng 8 USD. Lạm phát thế giới tăng 0,2 điểm %. Chỉ số VIX hay còn gọi là chỉ số sợ hãi – đo lường biến động của thị trường từ 500 cổ phiếu nhất định sẽ tăng 8 điểm.
Kịch bản thứ ba – kịch bản xấu nhất, tức xung đột lan rộng toàn Trung Đông với sự tham gia của một số quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn, tác động sẽ rất lớn. Dầu tăng thêm 64 USD, tức lên mức 150 USD/thùng. Chỉ số VIX tăng 16 điểm, GDP toàn cầu bị thổi bay 1 điểm %. Đây sẽ là con số tồi tệ nhất kể từ năm 1982. Nền kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD.
Bà Kristalina Georgieva – Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi sát tình hình cuộc xung đột tại Dải Gaza, liệu nó có tác động tới thị trường dầu hay không, còn quá sớm để đánh giá. Chúng ta đã thấy giá dầu tăng giảm liên tục những ngày qua. Cần thêm thời gian để xem phản ứng của thị trường”.
Bà Ngozi Okonjo-Iweala – Giám đốc Tổ chức thương mại thế giới cho biết: “Mối lo lớn nhất của chúng tôi là nếu xung đột ngày càng lan rộng, khi đó thương mại toàn cầu sẽ chịu tác động vô cùng vô cùng lớn”.
Theo VTV