Chỉ trong hơn một năm, tài chính phi tập trung (DeFi) đã “kết hợp” nhiều yếu tố khác nhau của tài chính truyền thống (TradFi) bao gồm việc cho vay, các sản phẩm phái sinh, sản phẩm tài chính cấu trúc (structured product), v.v. Tuy nhiên có một yếu tố vẫn chưa hoàn toàn vượt qua rào cản: giao dịch order book.
Hãy cùng tìm hiểu Serum – sàn giao dịch phi tập trung trên Solana đang tìm cách đổi mới cách tài sản được giao dịch trong nền kinh tế phi tập trung. “Central limit order book” của Serum là một cơ chế khớp lệnh có khả năng mở rộng cao và hoàn toàn on-chain, có thể tạo điều kiện cho sự hình thành thế hệ trao đổi giao dịch tiếp theo, từ marketplace đến giao dịch tần suất cao.
Để hiểu rõ hơn về tiềm năng và những rủi ro của dự án đầy tham vọng này, hãy cùng xem cách Serum hòa nhập vào bối cảnh trao đổi phi tập trung rộng lớn và tokenomics của giao thức (SRM) có ý nghĩa như thế nào đối với các nhà đầu tư.
Lược sử về các DEX
Hầu hết giao dịch tài sản ngày nay (từ cổ phiếu trên NASDAQ đến tiền mã hóa trên Coinbase) đều được tiến hành dễ dàng thông qua order book. Trader có thể đặt lệnh — chỉ định cặp giao dịch, khối lượng và giá — khớp với phía bên kia của order book. Nói chung, tính thanh khoản của order book ghép những người mua với người bán với nhau một cách hiệu quả.
Có một lý do giải thích cho việc sao phần lớn tài sản ngày nay được trao đổi thông qua cơ chế này. Thứ nhất, các order book cung cấp cho người dùng khả năng tự định giá của riêng mình, thậm chí cho phép họ đặt lệnh stop-loss và lệnh stop-limit. Cơ chế order book cũng thường cung cấp các lợi ích hiệu quả cho cả trader (tức là các mức chênh lệch giá ít hơn) và nhà cung cấp thanh khoản (tức là không có tổn thất tạm thời).
Trong giai đoạn đầu của tài chính phi tập trung (DeFi), một số sàn giao dịch phi tập trung (DEX) đã cố gắng tái tạo mô hình order book này với tính trustless và on-chain. Bắt đầu từ năm 2012, LocalBitcoins đã ra mắt một trong những DEX đầu tiên cho giao dịch Bitcoin theo cách ngang hàng (peer-to-peer), được hỗ trợ bởi kỹ thuật ký quỹ trên chuỗi có tên Hashed Time Locked Contracts (Hợp đồng khóa thời gian).
Vào năm 2016, sau khi chức năng hợp đồng thông minh của Ethereum ra mắt, EtherDelta đã phát hành một sàn giao dịch order book. Sau đó, nhiều sàn giao dịch order book phi tập trung cũng được ra mắt, bao gồm cả IDEX và 0x, các sàn giao dịch này vẫn đang tiếp tục xử lý khối lượng giao dịch trị giá hàng trăm triệu đô la cho đến ngày nay.
Tuy nhiên ngày nay, phần lớn khối lượng giao dịch trên DEX được giải quyết thông qua các công cụ tạo lập thị trường tự động (automated market maker – AMM) thay vì thông qua giao dịch order book. Trên thực tế, hơn 90% giao dịch được định tuyến thông qua Uniswap, Sushiswap hoặc Curve, mỗi dự án đại diện cho các giao thức trên AMM. Làm thế nào mà điều này lại xảy ra?
Câu trả lời chủ yếu nằm ở việc thực hiện. Đối mặt với chi phí giao dịch cao và tốc độ giải quyết chậm, việc triển khai các giao thức AMM trên các mạng lưới hợp đồng thông minh như Ethereum dễ dàng hơn so với trên các sàn giao dịch order book.
Các AMM cũng có một số lợi thế nhất định, chẳng hạn như việc giải quyết giao dịch được đảm bảo, tính thanh khoản ổn định (đặc biệt hữu ích cho các tài sản long-tail) và trải nghiệm người dùng quen thuộc tương tự như “máy bán hàng tự động”. Chúng cũng có những bất lợi, chẳng hạn như có độ trượt giá cao hơn so với order book và đáng chú ý nhất là lỗ tạm thời làm giảm lợi nhuận cho các nhà cung cấp thanh khoản.
Tuy nhiên, với sự phát triển của việc mở rộng layer-2 trên Ethereum và việc áp dụng các chuỗi thông lượng cao như Solana, đã đến lúc chúng ta cần có một cách tiếp cận mới cho vấn đề này. Đây là cơ hội cho một sàn giao dịch order book mới nổi hoàn toàn phi tập trung, tiết kiệm vốn và hấp dẫn những người dùng nhỏ lẻ.
Serum: Một sự chuyển đổi mô hình của Order Book
Tháng 8 năm 2020, vào chặng cuối giai đoạn “DeFi Summer” của Ethereum, Serum đã được khởi chạy như một trong những dự án lớn đầu tiên trên Solana. Dự án này được ấp ủ và hỗ trợ mạnh mẽ bởi Solana Foundation, Alameda Research, Sam Bankman-Fried và một số tổ chức khác.
Dự án được xây dựng để giải quyết nhiều vấn đề mà nhóm đã gặp trong DeFi vào thời điểm đó. Lúc đó, những hạn chế của Ethereum đã khiến nó trở nên chậm chạp và tốn kém, nhiều giao thức trên thực tế là tập trung và chức năng chuỗi chéo đã bị (và hiện tại vẫn bị) thiếu. Mục whitepaper trên AMMs ghi chú về điều này như sau:
- Uniswap đã lặng lẽ cách mạng hóa DeFi bằng cách cho phép giao dịch mà không cần orderbook.
- Nhưng điều đáng nói hơn là việc Tạo lập thị trường tự động (Automated Market Making) là cần thiết. AMM là một hệ thống không có lệnh giới hạn, thậm chí là giá thầu hay chào giá; trong orderbook, bạn có thể định giá, khối lượng và hướng bạn muốn giao dịch. AMM có rất nhiều nhược điểm như:
- Bạn không thể cung cấp tính thanh khoản trừ khi bạn cung cấp chúng cho cả hai bên;
- Bạn không thể chọn chỉ cung cấp thanh khoản với một mức giá cụ thể;
- Bạn không thể cung cấp thanh khoản ở mức giá khác với giá thị trường hiện tại;
- Bạn không thể chọn khối lượng thanh khoản muốn cung cấp mà không cung cấp nhiều hơn phía sau đó.
- Có một giải pháp cho điều này — đó là điều mà phần còn lại của tài chính làm. Nhưng nói chung, DeFi không có orderbook vì mạng lưới ETH quá chậm và việc hỗ trợ cũng rất tốn kém. Việc ghép cặp các giá thầu và chào giá với nhau cần nhiều thao tác.
Về cốt lõi, Serum là một order book hoàn toàn on-chain được xây dựng trên Solana. Sổ lệnh giới hạn trung tâm (central limit order book – CLOB) của giao thức là mô hình đầu tiên của loại hình này, đây là công nghệ cho phép người dùng giao dịch với nhau theo cách hiệu quả, trustless và non–custodial.
Giao thức này cũng tương thích với nhiều loại tài sản, có nghĩa là bất kỳ tài sản crypto nào (giao ngay, phái sinh, tổng hợp, v.v.) đều có thể được giao dịch trên order book. Trên thực tế, bản nâng cấp sắp tới có tên là Serum Core sẽ cung cấp cho order book khả năng khớp lệnh với bất kỳ tài sản tài chính nào chứ không chỉ riêng token SPL.
Sự cải tiến này của giao thức sẽ giúp việc xây dựng các tài sản phái sinh và các sản phẩm phức tạp trên Serum thậm chí còn trở nên dễ dàng hơn.
Quyết định xây dựng trên Solana là trọng tâm trong cơ chế của giao thức. Tốc độ giải quyết nhanh chóng của Solana cho phép thực hiện giao dịch trong vòng 1 giây, điều này cần thiết để một order book hoạt động tốt; bên cạnh đó, phí mạng thấp (với lệnh đặt $0,00001 cho mỗi giao dịch) cho phép tương tác trên chuỗi với chi phí không tốn kém.
Trong khi hầu hết các cơ chế của giao thức được thực hiện trực tiếp trên chuỗi, Serum cũng có kế hoạch xây dựng một mạng lưới các node chịu trách nhiệm “quay tay lái” (“turning the crank”) – liên quan đến việc khớp lệnh và đôi khi chạy các chương trình cụ thể. Đổi lại, các node sẽ được phân bổ một phần doanh thu của giao thức và được giao các trách nhiệm quản trị.
Serum – một trong những dự án DeFi đầu tiên và thành công nhất trên Solana – đã cho thấy mình là một thành phần chủ chốt (major player) trong hệ sinh thái. Việc đặt cược của giao thức vào Solana lúc đầu dường như đã được đền đáp; hệ sinh thái DeFi của Solana đã phát triển vượt trội từ chỉ $500 triệu vào cuối tháng 6 năm 2021 lên gần $14 tỷ ở thời điểm hiện tại.
Khả năng kết hợp tại Core: Tính thanh khoản như một dịch vụ
Để có thể hiểu rõ Serum nhất, chúng ta cần xem bản thân nó như một giải pháp phần mềm trung gian order book hơn là một sàn giao dịch phi tập trung.
Mặc dù Serum có nhiều giao diện người dùng (front-end) cho trao đổi của riêng mình (gọi là Serum DEX), bản chất nguồn mở của giao thức cho phép các giao thức DeFi, trò chơi, dApp và các dự án khác kết nối với mạng lưới thanh khoản của Serum để vận hành các sàn giao dịch hoặc thị trường của mình.
Trên thực tế, back-end của nhiều giao thức DeFi hàng đầu của Solana được hỗ trợ nhờ order book của Serum. Ví dụ: Raydium, Atrix và Mango Markets đều được xây dựng trên nền tảng DEX mã nguồn mở của Serum.
Dù họ đã thiết kế một giao diện người dùng đồ họa (GUI) độc đáo và trong nhiều trường hợp, triển khai các tính năng DeFi mới (chức năng AMM, loại tài sản mới, chuỗi chéo, v.v.) thì Serum vẫn là một phần không thể thiếu trong kiến trúc giao thức của họ. Khi DeFi trên Solana tiếp tục phát triển, nhiều người mong đợi sự tích hợp của Serum sẽ tiếp tục mở rộng.
Việc Serum lấy một khoản phí giao dịch nhỏ đối với thanh khoản mà nó định tuyến đặt ra một câu hỏi: Tại sao các giao thức này không xây dựng order book trên chuỗi của riêng mình?
Câu trả lời gồm 2 phần.
- Thứ nhất, việc khởi động một order book trên chuỗi không hề dễ dàng — riêng những thách thức về công nghệ và tính thanh khoản cũng đủ để làm nhiều nhóm từ bỏ ý định.
- Thứ hai – cũng chính là điều làm nên giá trị thực sự của giao thức, Serum cung cấp cho các giao thức DeFi một mạng lưới thanh khoản mà mỗi giao thức đều có thể truy cập vào, nhờ đó tiết kiệm chi phí và cải thiện trải nghiệm người dùng cho các giao thức.
Để hình dung điều này, hãy tưởng tượng có hai giao thức được hỗ trợ bởi Serum là DEX A và DEX B. Người dùng DEX A có thể đặt lệnh bán trên order book của Serum, sau đó lệnh này được điền bởi người dùng DEX B. Điều này xảy ra mà không cần hai bên biết rằng họ đã tương tác với nhau.
Trên thực tế, các tương tác giữa các giao thức như thế này xảy ra liên tục giữa những người dùng của các dự án khác nhau trong mạng Serum vì tất cả họ đều sử dụng cùng một pool thanh khoản. “Hiệu ứng mạng lưới thanh khoản” này làm tăng độ sâu thị trường và hiệu quả sử dụng vốn cho tất cả mọi người tham gia
Về sự thu hút và khả năng bảo vệ
Chỉ trong hơn một năm kể từ khi ra mắt, Serum đã tự khẳng định vị trí của mình như là mảnh ghép quan trọng nhất của cơ sở hạ tầng DeFi trên Solana cho đến nay. Bản thân giao thức trực tiếp thu được $1,62 tỷ TVL (total value locked), khiến nó trở thành dự án DeFi lớn thứ hai trên Solana. Ngoài ra, native token của Serum là SRM được nắm giữ bởi hơn 35.000 ví đặc thù (unique wallet), cao hơn nhiều so với nhiều giao thức khác.
Ấn tượng nhất là cách Serum trở thành phần mềm trung gian DEX được lựa chọn bởi nhiều dự án thành công nhất trong hệ sinh thái. Raydium – một order book AMM với hơn $2 tỷ TVL và $28 tỷ tổng khối lượng giao dịch- được hỗ trợ bởi Serum. Atrix, một “Serum AMM” khác với gần $500 triệu TVL, cũng kết nối trực tiếp với giao thức. Và còn rất nhiều dự án khác nữa.
Trong quá trình vươn rộng sự ảnh hưởng của mình trên khắp các dự án dựa trên Solana, Serum đã thực hiện lời hứa sẽ trở thành pool thanh khoản cốt lõi của hệ sinh thái. Và vì phần lớn giá trị của Serum đến từ những hiệu ứng mạng lưới mạnh mẽ này nên dự án có vị thế tốt để chống lại các đối thủ cạnh tranh mới.
Khi hệ sinh thái chuyển sang cross-chain, Serum sẽ cần phải nâng cấp. Whitepaper ban đầu của dự án nhấn mạnh rất nhiều vào lời hứa về các hợp đồng và swap cross-chain, xác định đây là hai trong số “bảy thành phần chính” của dự án. Tuy nhiên, sau gần một năm các tính năng này vẫn chưa được triển khai.
Bất chấp sự chậm trễ đó, Serum có thể đã chuẩn bị kế hoạch cho các sáng kiến chuỗi chéo mới. Gần đây, họ đã công bố ý định xây dựng cơ sở hạ tầng chuỗi chéo kết hợp với Wormhole bridge để cung cấp thanh khoản cho chuỗi chéo, đây sẽ là một bước tiến lớn cho hệ sinh thái. Họ cũng đang hợp tác với Raydium để cung cấp lợi tức trên các tài sản cross-chain.
Không gian cross-chain vẫn có rất nhiều đối thủ cạnh tranh cả cũ và mới nhưng tính thanh khoản hiện có của Serum và những ưu điểm từ blockchain Solana có thể mang lại cho dự án lợi thế mà họ cần.
Chắc chắn một điều: chúng ta đang chuẩn bị cho một vài quý thú vị sắp tới với sự đổi mới DeFi — trên Solana và nói chung — và Serum sẽ phải tiếp tục chiến đấu để duy trì vị thế của mình. Việc thực hiện thành công chiến lược chuỗi chéo có thể là yếu tố quyết định đến quỹ đạo tương lai của Serum.
Serum Tokenomics
Serum có 2 loại token: Serum (SRM) và MegaSerum (MSRM).
Serum (SRM) là tài sản gốc cơ bản của giao thức. Nó có nguồn gốc từ blockchain Solana (dưới dạng token SPL), nhưng cũng có thể giao dịch dưới dạng một token ERC-20. Có ba yếu tố tạo ra giá trị của token.
- Đầu tiên, chủ sở hữu token SRM trả phí thấp hơn cho các giao dịch cung cấp bởi Serum, tỷ lệ thuận với số lượng SRM mà họ nắm giữ trong ví của mình. Ví dụ: một người không sở hữu SRM sẽ trả 22bps với tư cách là một “taker”; trong khi đó, một người sở hữu 1.000 SRM trong ví sẽ chỉ trả 18bps, tiết kiệm được 4bps.
- Thứ hai, SRM cũng là token quản trị của giao thức. Mặc dù việc quản trị trên chuỗi vẫn chưa được triển khai đầy đủ nhưng chủ sở hữu token SRM đã bắt đầu đề xuất và bỏ phiếu cho các đề xuất tài trợ, các thay đổi đối với cấu trúc phí của giao thức, v.v.
- Điều thứ ba và cũng là hình thức giá trị trực tiếp nhất được tích lũy vào token đến từ doanh thu phí của giao thức. Doanh thu của giao thức được phân bổ như sau: 20% cho GUI hoặc dự án (ví dụ: Raydium) và 80% còn lại cho “mua và đốt” SRM.
Mô hình “mua và đốt” (buy-and-burn) là một cách tuy đơn giản nhưng rất hiệu quả để căn chỉnh giá trị token ngang hàng với sự sử dụng của Serum. Mỗi tuần, một hợp đồng thông minh thực hiện thu 80% doanh thu của kỳ, mua SRM trên thị trường mở và đốt các token. Điều này đem đến một kiểu như “cổ tức” cho các chủ sở hữu token, chống lại việc phát hành token (token emission) và thúc đẩy giá trị lâu dài.
Kể từ khi Binance phổ biến cơ chế burn, nó đã được sử dụng rộng rãi bởi tất cả các loại giao thức, đặc biệt là các sàn giao dịch tạo ra doanh thu như Serum.
Như đã viết, 2.437.373,95 SRM đã bị đốt trong năm nay, tương đương với gần $15 triệu USD giá trị đã bị đốt (giải thích cho sự thay đổi giá hàng tuần). Trung bình, khoảng $350 nghìn SRM được đốt mỗi tuần. Như đã dự đoán, chương trình mua và đốt (buy-and-burn) có liên quan mật thiết với khối lượng DEX của Serum.
Tài sản thứ hai của giao thức là MegaSerum (MSRM). 1 MRSM được tạo ra bằng cách khóa 1.000.000 SRM. Tiện ích chính của MRSM được dành cho các node; mỗi node phải có ít nhất 10.000.000 SRM và 1 MRSM để tham gia. Ngoài ra, người nắm giữ MRSM nhận được phần thưởng nâng cao hơn so với khi nắm giữ cùng một số lượng SRM “đã mở khóa”.
Cần phải đặc biệt nghiên cứu lịch trình phát hành token. Khi dự án ra mắt vào tháng 8 năm 2020, 10% tổng nguồn cung (1 tỷ) đã được mở khóa và 90% (9 tỷ) còn lại bị khóa trong một năm. Sau khi thời hạn khóa 1 năm kết thúc, 9 tỷ SRM này mở khóa tuyến tính trong vòng 6 năm – cho đến tháng 8 năm 2027, với kết quả là có tổng cộng 10 tỷ SRM được lưu hành.
Sau một vài tháng trong lịch trình vesting, SRM có tổng nguồn cung là 1,1 tỷ SRM (đã mở khóa 11%), nhưng chỉ có 133 triệu SRM thực sự được lưu hành.
Có nghĩa là bên cạnh 9 tỷ SRM bị khóa, có hơn 900 triệu SRM vẫn đang do các thành viên trong nhóm nắm giữ, được vest cho các nhà đầu tư ban đầu, bị khóa trong các hợp đồng thông minh hoặc đang không được lưu hành. Con số này cho thấy chỉ có 1,3% nguồn cung tương lai của SRM hiện đang được lưu hành.
Để xem con số này tương quan như thế nào trong một hệ sinh thái rộng hơn, chỉ cần nhìn vào tỷ lệ nguồn cung dự kiến Y2050 đang lưu hành của các DEX khác, ví dụ như: Curve (18,23%), Uniswap (41,66%), DODO (11,16%), dYdX (5,63%), 0x (84,55%), và Raydium (13,61%).
Mặc dù rất khó để đưa ra một sự so sánh chính xác vì mỗi một giao thức có tokenomics rất khác nhau nhưng có thể thấy rõ con số này ở SRM là đặc biệt thấp. Điều này có phần đáng lo ngại đối với các chủ sở hữu token hiện tại vì tính thanh khoản thấp có thể làm tăng sự biến động của thị trường và việc mở khóa token trong tương lai sẽ làm giảm đi sức mạnh của các nhà đầu tư hiện tại.
Do tỷ lệ lưu hành thấp này mà vốn hoá tổng cung token (Fully Diluted Valuation-FDV) của giao thức khi đã tính đến số lượng lớn SRM bị khóa bên lề là khoảng 75 tỷ đô la. Điều này sẽ định giá Serum ở mức cao hơn so với tổng FDV mà 3 DEX lớn nhất là Uniswap, Sushiswap và Curve cộng lại theo mức giá hiện tại, mặc dù nó có khối lượng giao dịch thấp hơn đáng kể.
Điều này đã thúc đẩy một cuộc thảo luận rộng rãi hơn trong cộng đồng Serum xung quanh vấn đề tokenomics của dự án – vấn đề đang trở nên nghiêm trọng hơn trong những tuần gần đây.
Đặc biệt, các thành viên trong cộng đồng dường như đang yêu cầu làm rõ hơn về việc phân phối token (bao gồm VC và những người trong cuộc khác), về bất kỳ thỏa thuận tài chính hoặc đầu tư nào vào các dự án khác và kế hoạch để quản trị phi tập trung phát triển như một DAO.
Nhóm nghiên cứu đã bắt đầu giải quyết một số vấn đề này, nhưng vẫn cần thêm các câu trả lời.
Nhìn về tương lai
Khi nghĩ về tương lai của Serum, việc đưa ra những dự báo cụ thể là một việc vô ích. Tuy nhiên, từ một quan điểm toàn diện hơn, có hai câu hỏi chính cần được giải quyết.
Câu hỏi đầu tiên là: triển vọng trong tương lai của hệ sinh thái Solana DeFi là gì?
Không nên đánh giá thấp sự bùng nổ gần đây của các dự án, sự gia tăng trong lượng sử dụng và độ hào hứng về Solana; blockchain non trẻ này đã đạt được sự cân bằng với bộ ba bất khả thi của blockchain (Blockchain Trilemma) hấp dẫn đối với cả người dùng và nhà phát triển. Solana sẽ không biến mất, và mặc dù không có nhiều khả năng sắp xảy ra một sự kiện “flippening” nhưng Solana vẫn là một đối thủ đáng gờm đối với Ethereum và sẽ tiếp tục tạo thành một phần quan trọng trong vũ trụ hợp đồng thông minh.
Nếu lấy sự tăng trưởng của Ethereum làm đường cơ sở thì Solana vẫn đang gần như ở giai đoạn đầu của đường cong dù đã có hơn $5 tỷ TVL chỉ trong vòng vài tháng. Nếu DeFi trên Solana tiếp tục theo quỹ đạo hiện tại của mình (và của Ethereum), nó có khả năng vượt qua $100 tỷ TVL trong vòng chưa đầy sáu tháng.
Câu hỏi thứ hai: Serum sẽ nắm giữ được bao nhiêu phần trong sự tăng trưởng của hệ sinh thái Solana DeFi?
Đây là một câu hỏi khó trả lời hơn nhiều. Nó dựa trên một số yếu tố như: sự liên tục đổi mới đến từ đội ngũ nòng cốt, khả năng giải quyết các chỉ trích của cộng đồng và khả năng bảo vệ trước các đối thủ cạnh tranh mới (và trên chuỗi chéo).
Trong sáu tháng qua, khối lượng giao dịch của Serum (và giá token của SRM) ít nhiều đã theo sát sự phát triển của DeFi trên Solana. Mặc dù khối lượng giao dịch của Serum chắc chắn có thất thường hơn nhưng có vẻ như nó được hưởng lợi trực tiếp từ hệ sinh thái Solana đang mở rộng.
Sau đó, trong bull case, khi DeFi trên Solana tiếp tục phát triển, Serum sẽ đóng vai trò là một phần thiết yếu của cơ sở hạ tầng thanh khoản cho toàn bộ hệ sinh thái, thu phí giao thức tích lũy cho token SRM.
Hiệu ứng mạng lưới thanh khoản của giao thức là một cái hào kinh tế vững chắc có thể củng cố vị trí Serum như một “khối lego” DeFi thiết yếu trong nhiều năm tới. Đây cũng là một cú đặt cược vào các DEX order book trong khi các AMM đang chiếm bá quyền; không khó để hình dung các order book phi tập trung tự mình có một thị trường nhiều tỷ đô la.
Tuy nhiên trong bear case, hoặc là: (a) Serum sẽ mất vị thế trên thị trường với vai trò là on-chain order book vượt trội cho Solana (và chuỗi chéo) khi các đối thủ cạnh tranh mới tham gia, hoặc là: ( b) các mối quan tâm xung quanh việc cung cấp và phân phối token của SRM đẩy dự án vào một tình thế khó khăn và không mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư.
Bất kể tương lai của Serum như thế nào thì điều quan trọng là không được quên hành trình đột phá của dự án. Trong khoảng một năm, dự án đã xây dựng những order book on-chain thực sự phi tập trung đầu tiên, là nhân tố quan trọng của toàn bộ hệ sinh thái Solana DeFi và đã giải quyết hàng chục tỷ đô la trong quá trình này. Theo hầu hết các tiêu chuẩn, Serum đã thành công trong việc thực hiện những lời hứa đầy tham vọng của mình.
Ngày nay, Serum đang chuẩn bị cho bước phát triển tiếp theo: một hệ sinh thái Solana đang phát triển mạnh mẽ, các cải tiến DeFi mới và khả năng tương tác chuỗi chéo. Vẫn chưa chắc liệu Serum có thể tiếp tục giữ vai trò là “phần mềm trung gian thanh khoản” hàng đầu trong ngành hay không. Tuy nhiên nếu họ làm được thì đây là một cơ hội đầu tư cực khủng.
Bài viết được bạn Hiền Lê thuộc FXCE Crypto biên tập từ “Serum: Return of the Order Book” của tác giả Roman Ugarte, với mục đích cung cấp thông tin và phi lợi nhuận. Chúng tôi không khuyến nghị đầu tư và không chịu trách nhiệm cho các quyết định đầu tư liên quan đến nội dung bài dịch.
—————————————————
👉 Theo dõi FXCE Ventures
Group Chat | Research Hub | FXCE Spotlight | Tổng hợp airdrop | FXCE Pool Coin