Các blockchain hàng đầu hiện nay đang trải qua một sự thay đổi lớn từ cơ chế đồng thuận Proof of Work (PoW) sang Proof of Stake (PoS). Mô hình PoW ban đầu do Satoshi Nakamoto tiên phong đã không còn được ưa chuộng khi các nhà phê bình chỉ ra những tác động bên ngoài tiêu cực do mô hình bảo mật tạo ra và xu hướng hình thành các nhóm khai thác tập trung.
Tuy nhiên hiện nay, các thiết kế PoS đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc nhờ những hứa hẹn về tiết kiệm năng lượng và khả năng phi tập trung lớn hơn. Nếu Ethereum 2.0 (Eth2) “hợp nhất” với PoS được hoàn tất vào thời điểm này, thì các chuỗi dựa trên PoS sẽ chiếm 44% vốn hóa thị trường Layer 1.
Nếu không tính đến Bitcoin, chuỗi PoS sẽ tăng lên 91% thị phần. Việc các mạng lưới PoW mất đi sự thống trị đã tạo ra các hiệu ứng bậc hai dưới dạng các mô hình kinh doanh mới nhờ việc nhận thưởng khi tham gia bảo mật trên mạng PoS.
Kể từ khi Bitcoin ra đời vào năm 2008, các chuỗi PoW đã cho phép các công ty xây dựng các mô hình kinh doanh tập trung vào việc tối đa hóa phần thưởng khai thác. Các công ty khai thác ban đầu hiểu rằng họ sẽ được hưởng lợi từ quy mô kinh tế và bắt đầu thiết lập “trang trại máy chủ – server farms” ở những địa điểm có chi phí năng lượng rẻ để tối đa hóa xác suất kiếm được phần thưởng khai thác.
Chỉ trong 13 năm, khai thác tiền mã hóa đã phát triển thành một ngành công nghiệp trị giá khoảng 31 tỷ USD. Chuỗi PoS mở ra cơ hội kinh doanh tương tự cho các cá nhân và công ty tìm cách tận dụng phần thưởng PoS. JP Morgan ước tính rằng việc staking đã tạo ra doanh thu trị giá 9 tỷ USD hàng năm và sẽ phát triển thành một ngành công nghiệp trị giá 40 tỷ USD vào năm 2025.
Với dự báo hấp dẫn này, điều cần thiết là phải hiểu mọi mặt của việc staking và cách tương tác với STaaS (Staking dưới dạng dịch vụ/ Staking-as-a-service).
* Để tránh nhầm lẫn với từ viết tắt SaaS đã được thành lập trong ngành công nghệ (phần mềm như một dịch vụ/software-as-a-service), chúng tôi sẽ đề cập đến việc staking dưới dạng dịch vụ (staking-as-a-service) là STaaS trong phần còn lại của báo cáo này.
Cơ sở của Proof of Stake
Để một chuỗi khối không cần cấp phép (permissionless blockchain) hoạt động, chỉ một thực thể có thể cập nhật sổ cái được chia sẻ của mạng lưới vào bất kỳ thời điểm nào. Cơ chế đồng thuận là tập hợp các quy tắc mà các nhà cung cấp bảo mật trong mạng blockchain sử dụng để xác định bản cập nhật của người tham gia nào sẽ được mạng lưới chấp nhận.
Thực thể chịu trách nhiệm nhập một loạt các giao dịch (block) vào bất kỳ lúc nào được gọi là nhà sản xuất khối (block producer). Đổi lại việc tạo ra một khối mới và do đó duy trì tính bảo mật của mạng lưới, nhà sản xuất khối (block producer) sẽ kiếm được phần thưởng khối từ mạng lưới (thành phần của phần thưởng khối sẽ được trình bày chi tiết hơn bên dưới).
Như đã đề cập ở trên, PoW và PoS là hai trong số các công cụ đồng thuận được sử dụng rộng rãi nhất cung cấp năng lượng cho các blockchain ngày nay.
Trong hệ thống PoW, “Thợ đào – miners” sử dụng tài nguyên vật chất (thời gian và năng lượng) trong một cuộc cạnh tranh để trở thành nhà sản xuất khối tiếp theo. Việc đốt tài nguyên bên ngoài này mang lại cho mạng cảm giác an toàn. Nếu kẻ xấu muốn tạm dừng hoặc thay đổi trạng thái của mạng lưới, họ cần phải kiểm soát > 50% sức mạnh tính toán của mạng lưới.
Trong hệ thống PoS, sự cạnh tranh về các nguồn lực vật chất, ngoại sinh (sức mạnh), được thay thế bằng sự cạnh tranh để thu hút native cryptocurrency. Tài nguyên nội sinh này được gọi là cổ phần (stake), sự khác biệt chính này cho phép mạng PoS hoạt động mà không tiêu tốn lượng điện lớn và cho phép sự tham gia rộng rãi hơn vào quá trình đồng thuận so với PoW.
Những người tham gia muốn trở thành người xác thực mạng phải stake hoặc khóa (lock) một phần coin (native cryptocurrency) của chính mạng lưới như một cam kết đóng góp thiện chí vào quá trình đồng thuận. Giá trị tổng cổ phần của mạng lưới là thứ cung cấp khả năng bảo mật, điều này làm cho các hình thức tấn công 51% đắt hơn PoW – như Vlad Zamfir đã nói “như thể máy ASIC của bạn bị thiêu rụi nếu khai thác một khối không hợp lệ”.
Ngoài chức năng chính là hàng rào bảo mật, cổ phần của trình xác thực (validator’s stake) còn quan trọng vì hai lý do bổ sung.
- Số tiền đặt cọc của trình xác thực tỷ lệ thuận với xác suất được chọn để nhập các giao dịch mới vào sổ cái, do đó ảnh hưởng đến số lượng phần thưởng mà trình xác thực kiếm được.
- Cổ phần của trình xác thực cũng đóng vai trò là tài sản thế chấp để ngăn chặn các hành vi gây hại. Nếu trình xác thực có hành động xấu đối với mạng lưới, nó thường bị phạt bằng cách mất một phần cổ phần hoặc mất quyền tham gia vào quá trình đồng thuận trong một khoảng thời gian.
Cùng với nhau, hệ thống này khuyến khích hành vi lành mạnh trên mạng lưới. Trình xác thực đặt cọc nhiều tài sản thế chấp hơn để có tỷ lệ phần thưởng khối lớn hơn. Số lượng tài sản thế chấp được stake càng lớn, thì càng có nhiều khả năng validator sẽ thực hiện đúng các chỉ tiêu mạng, do đó đảm bảo an ninh chuỗi.
Staking-as-a-Service là gì?
Khuyến khích Stake
Với sự hiểu biết kỹ thuật cơ bản về cách hoạt động của sự đồng thuận PoS, chúng ta có thể tạo ra ra những cơ hội kinh tế mới. Mạng PoS khuyến khích những người lập trình (staker) đóng góp vào bảo mật bằng phần thưởng khối cho những validator bao gồm lạm phát mạng lưới và phí giao dịch.
Phần thưởng lạm phát có thể được coi là động lực ban đầu của mạng lưới để khuyến khích người dùng sử dụng tài sản. Những người chọn hold thay vì stake sẽ bị pha loãng lượng coin trong mạng lưới do lịch trình cung cấp lạm phát. Nếu 100% stake trong mạng lưới, sẽ không có sự thay đổi tương đối nào về quyền sở hữu vì tất cả phần thưởng lạm phát sẽ được phân phối cho tất cả holder hiện tại.
Điều này rất khó xảy ra vì nó có nghĩa là không có ai thực sự đang chạy các ứng dụng trên mạng lưới hoặc thực hiện các giao dịch. Do đó, mỗi mạng PoS thể hiện tỷ lệ staking tích cực khác nhau tùy thuộc vào hoạt động và các ưu đãi đang diễn ra trong mỗi mạng lưới tương ứng.
Tỷ lệ staking luôn thay đổi dẫn đến thay đổi tỷ lệ thưởng cho các staker của mạng lưới. Khi càng nhiều tiền được stake vào mạng, tỷ lệ phần thưởng hoạt động càng giảm vì phần thưởng staking phải được phân phối cho một nhóm lớn hơn và ngược lại. Lợi tức tổng thể này được gọi là tỷ lệ staking danh nghĩa (nominal staking rate), bao gồm phí giao dịch và lạm phát.
Tỷ lệ phần thưởng danh nghĩa trừ đi số phần thưởng do lạm phát mạng tổng thể được gọi là tỷ lệ thực. Trong khi lợi suất danh nghĩa cho nhiều chuỗi PoS có thể đạt đến hai chữ số, thì tỷ lệ thực thường kết thúc bằng các chữ số đơn lẻ ở mức hiện tại. Ngoại lệ chính cho xu hướng này là Binance Smart Chain (BSC), nơi phần thưởng khối (block reward) được chi trả hoàn toàn từ phí giao dịch.
Trở ngại tạo nên Cơ hội
Nếu staking là kênh doanh thu gốc cho những người tham gia vào mạng lưới PoS, thì tại sao không tham gia chạy một validator Có một số yếu tố đang diễn ra. Đầu tiên, thường cần vốn tối thiểu để trở thành người xác thực, điều này khiến phần lớn người dùng nhỏ lẻ phải định giá.
Ngay cả các chuỗi như Solana không yêu cầu stake tối thiểu nhưng vẫn cần vốn dưới hình thức khác như máy tính cao cấp, phí biểu quyết (hiện tại ước tính là 2 SOL mỗi ngày hoặc ~ 500 USD) và đủ vốn để được biểu quyết. Nếu một người tham gia có đủ vốn để đáp ứng ngưỡng đặt cọc tối thiểu, họ được giao nhiệm vụ liên tục đảm bảo trình xác thực luôn trực tuyến và hoạt động chính xác.
Hầu hết các mạng PoS sẽ trừng phạt các trình xác thực ngoại tuyến hoặc hoạt động sai bằng cách sử dụng các hình phạt cắt giảm (slashing penalties). Cuối cùng, staking đồng nghĩa đi kèm với chi phí cơ hội – tài sản bị khóa trong một khoảng thời gian và không thể được sử dụng cho các mục đích khác như vay và cho vay trong DeFi.
Vấn đề này áp dụng cho hầu hết các mạng PoS sử dụng cơ chế bonded staking nhưng ngoại lệ trong các mạng như Cardano hỗ trợ native liquid staking. Nhìn chung, những vấn đề trên chính là điều mà ngành STaaS hướng tới để giải quyết cho người dùng.
Ngành STaaS ban đầu được tạo ra để mang lại lợi ích kinh tế từ việc đặt cọc cho công chúng, đồng thời giải quyết thách thức về việc bảo trì trình xác thực liên tục cho những người dùng không chuyên về kỹ thuật. Khi ngành công nghiệp này đã lớn mạnh, việc bổ sung liquid staking derivatives giúp bù đắp chi phí cơ hội của việc khóa tài sản để stake.
STaaS là một mô hình kinh doanh tương đối đơn giản – người dùng chuyển hoặc ủy thác tài sản của họ cho một nhà cung cấp STaaS quản lý một tập hợp các trình xác thực. Điều này cho phép ngay cả những người dùng nhỏ nhất cũng có thể tận hưởng những lợi ích của việc staking. Bằng cách sử dụng nhà cung cấp STaaS, người dùng có thể dễ dàng đặt cọc gần như bất kỳ tài sản PoS nào trong một vài cú nhấp chuột.
Để đổi lại việc duy trì các dịch vụ xác thực cần thiết cho khách hàng, nhà cung cấp STaaS sẽ tính phí. Đây có thể là một khoản phí cố định mỗi tháng nhưng phổ biến hơn là tỷ lệ phần trăm phần thưởng được tạo ra từ số tiền stake của khách hàng. Hoa hồng như vậy thường dao động từ 5 – 20% phần thưởng stake.
Theo thời gian, chúng ta có thể mong đợi tỷ lệ phần trăm phí sẽ giảm xuống do có nhiều cạnh tranh hơn khi số lượng các nhà cung cấp stake tham gia vào hệ sinh thái ngày càng tăng. Ngoài ra, số lượng phí danh nghĩa được tạo ra cho mỗi khách hàng dự kiến sẽ giảm khi các giao thức hoàn thiện và điều chỉnh lịch trả thưởng.
Phân loại Staking-as-a-Service
Tương tự như các dịch vụ ví và giao dịch exchange ngày nay, có thể phân loại các doanh nghiệp STaaS hiện tại thành 2 loại là lưu ký và không lưu ký (custodial và non-custodial). Dù phân loại ra sao, tất cả STaaS đều có thể cung cấp tính năng liquid staking.
Lưu ký STaaS (Custodial STaaS)
Các nhà cung cấp dịch vụ lưu ký STaaS có đặc điểm là kiểm soát và duy trì tài sản của khách hàng trong toàn bộ quá trình staking. Các ví dụ phổ biến nhất về các nhà cung cấp dịch vụ staking tập trung là các sàn giao dịch tập trung như Coinbase hoặc Kraken.
Nguồn: Coinbase
Lưu ký STaaS thường nhắm mục tiêu đến những người dùng bán lẻ muốn có một cách đơn giản kiếm lợi nhuận từ tài sản nắm giữ mà không cần lo lắng về các quy trình phụ trợ. Bất kỳ phần thưởng nào được tạo ra từ phần stake của khách hàng sẽ được phân phối trước tiên cho nhà cung cấp dịch vụ staking trước khi chuyển cho khách hàng.
Điều này tương tự như cách hoạt động của một ngân hàng; ngân hàng giữ quyền lực đối với khách hàng của mình bằng cách quy định các khoản phí tính trên lãi suất của người gửi tiền trong khi vẫn duy trì quyền lưu ký các khoản tiền gửi đó.
Vì khách hàng đã tin tưởng bên thứ ba để lưu giữ tài sản, việc đặt cọc với các nhà cung cấp này không yêu cầu bất kỳ giả định tin cậy bổ sung nào ngoài khả năng của nhà cung cấp dịch vụ STaaS trong việc quản lý thành thạo trình xác thực hoặc thuê đơn vị chịu trách nhiệm từ một bên thứ ba khác.
Tuy nhiên, rủi ro tương tự đối với các ví và sàn giao dịch có dịch vụ lưu ký STaaS là – not your keys, not your crypto (không nắm chìa khóa thì tiền chưa phải là của bạn).
Thông thường các nhà cung cấp lưu ký STaaS hợp tác với nhà cung cấp Node-as-a-Service (NaaS) phụ trợ để outsource cơ sở hạ tầng staking. Trong trường hợp này, nhà cung cấp cơ sở hạ tầng duy trì phần cứng và hoạt động của nút xác thực hàng ngày trong khi nhà cung cấp STaaS tập trung vào khía cạnh giám sát (quản lý khóa và lưu trữ lạnh). Các nhà cung cấp white label phổ biến bao gồm Blockdaemon và Staked.
Các nhà cung cấp NaaS cũng được sử dụng bởi các doanh nghiệp lớn hoặc VC muốn có trình xác thực của riêng họ nhưng thiếu chuyên môn nội bộ để lưu trữ hoặc quản lý. Các bên này có thể chi trả thêm chi phí cho một đội ngũ chuyên gia tận tâm, tập trung vào việc đảm bảo thời gian hoạt động và bảo mật tối đa.
Vào đầu năm 2021, việc Coinbase mua lại Bison Trails với giá 80 triệu USD đã đánh dấu thương vụ mua lại lớn đầu tiên của một nhà cung cấp cơ sở hạ tầng NaaS. Với sự sát nhập giữa hai loại hình kinh doanh này, đây có thể sẽ không phải là thỏa thuận duy nhất được thực hiện.
Dịch vụ Không lưu ký STaaS (Non-Custodial STaaS)
STaaS không là một dịch vụ Web 3.0 thực sự nếu không có khả năng tham gia trong khi duy trì quyền quản lý tài sản của người dùng. Quá trình chuyển Staking cho một nhà cung cấp STaaS không lưu ký được gọi là ủy quyền. Hầu hết các mạng PoS đều hỗ trợ ủy quyền riêng, có nghĩa là quá trình ủy quyền được xây dựng trong chính mạng lưới đó.
Bất kỳ ai đã chạy trình xác thực có thể chấp nhận ủy quyền để tăng tỷ lệ tài sản stake, do đó kiếm được nhiều phần thưởng stake hơn. Những người xác thực (validator) tính phí hoa hồng tương tự như các nhà cung cấp lưu ký STaaS.
Tuy nhiên, phương thức phân phối phần thưởng hơi khác một chút. Vì mạng lưới công nhận và hỗ trợ ủy quyền nên có thể phân phối phần thưởng của người được ủy quyền trực tiếp cho người ủy quyền thay vì để người xác thực chuyển phần thưởng. Điều này giúp giảm thiểu một số rủi ro đối tác liên quan đến mô hình kinh doanh lưu ký STaaS.
Mặc dù hỗ trợ ủy quyền ở cấp độ mạng lưới nghe có vẻ thật lố bịch, nhưng luôn có rủi ro việc stake có thể trở nên quá tập trung (centralize) với một vài trình xác thực lớn trong mạng lưới. Trong nỗ lực thúc đẩy quá trình phi tập trung, Ethereum đã quyết định loại bỏ tính năng này ra khỏi thiết kế Eth2 PoS và để thị trường xây dựng các tính năng ủy quyền tại tầng trên của mạng lưới.
Điều này làm cho Eth2 STaaS trở thành một danh mục con thú vị. Đây cũng là lý do khiến các nhà cung cấp stake lớn nhất, cả theo giá trị stake và theo số lượng chuỗi được hỗ trợ, không hỗ trợ stake Eth2.
Ví dụ: Everstake là STaaS lớn nhất tính theo giá trị USD, cung cấp hỗ trợ cho 27 mạng PoS khác nhau, nhưng không hỗ trợ Eth2. Điều này có thể là do không có tính năng native staking được tích hợp trong mạng lưới, khiến không thể chạy trình xác thực với chính tài sản và chấp nhận ủy quyền mà không cần thêm bất kỳ bước nào.
Nhìn chung, có thể thấy rằng STaaS không lưu ký là cổ phiếu dẫn đầu rõ ràng trên thị trường hiện nay. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên với tính chất phi tập trung của các mạng lưới này.
Một yếu tố cần lưu ý nữa là hầu hết các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng NaaS được đề cập ở trên đều chạy trình xác thực công khai mà bất kỳ ai cũng có thể ủy quyền. Các đơn vị này đã chuyên về cơ sở hạ tầng cho các khách hàng tổ chức lớn, nên việc cung cấp dịch vụ chung cho những người tham gia nhỏ lẻ rất đơn giản.
Giải pháp Liquid Staking
Staking nhằm cam kết đảm bảo an toàn của mạng lưới, các tài sản cần được khóa lại để ngăn chặn tình huống “rút tiền hàng loạt – bank run” trong đó tất cả số tiền stake nhanh chóng bị rút và bảo mật của mạng lưới bị sụp đổ.
Thời gian khóa tùy theo mỗi mạng lưới khác nhau. Solana chỉ mất hai ngày staking, trong khi Eth2 bị stake vô thời hạn cho đến khi hoàn tất quá trình chuyển đổi sang PoS. Liquid Staking cung cấp cho người gửi tiền một tài sản phái sinh đại diện cho vị thế stake, tích lũy phần thưởng stake và có thể giao dịch cũng như làm tài sản thế chấp cho các hoạt động DeFi.
Mặc dù Liquid Staking là một tính năng mà cả nhà cung cấp lưu ký và không lưu ký STaaS đều có thể cung cấp cho khách hàng, nhưng lại được sử dụng phổ biến nhất trong các Staking pool phi tập trung. Các giao thức này không tự xác thực. Thay vào đó, nó tích lũy tiền gửi đặt cọc (staking deposit) và phân phối cho những validator đã hoạt động trong một mạng lưới nhất định.
Vì vậy, phần thưởng và hình phạt thường được chia sẻ bởi tất cả những người gửi tiền trong một staking pool.
Các giải pháp Liquid staking vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu.
Lợi thế khởi động sớm của Lido và hỗ trợ nhiều mạng (Eth2, Terra, Solana) đã giúp nó vượt lên dẫn trước. stETH phái sinh là liquid staking derivative trên DeFi và có thể được sử dụng trong các giao thức như Maker, Yearn và Curve. Với nhiều thời gian hơn, các công cụ tài sản phái sinh được stake của các giao thức khác sẽ tự thiết lập như các tùy chọn tài sản thế chấp đáng tin cậy.
Ngoài ra, có thể mong đợi có thêm nhiều chuỗi hơn có tính năng Liquid staking kiểu phái sinh. Liquid staking là một công cụ được thiết lập trên các chuỗi như Ethereum, Solana và Terra, nhưng các giao thức trên các chuỗi khác đang bắt đầu ra mắt các công cụ liquid staking đầu tiên. Gần đây nhất, Acala đã phát hành phái sinh LKSM để cho phép liquid staking trên Kusama.
Đánh giá Staking-as-a-Service
Rủi ro
Mặc dù STaaS dân chủ hóa quy trình staking cho người dùng tiền mã hóa, nhưng không phải là không có rủi ro.
Như thảo luận trước đây, bản thân việc staking không mang đến rủi ro. Bất kỳ trình xác thực nào đều phải chịu hình phạt đối với các sự kiện cắt giảm như thời gian ngừng hoạt động (downtime) hoặc ký hai lần (double signing) khi mạng không đạt được sự đồng thuận. Thời gian ngừng hoạt động đề cập đến bất kỳ lúc nào trình xác thực ngoại tuyến và bỏ lỡ nhiệm vụ trong quá trình đồng thuận.
Việc ký hai lần (double signing) xảy ra khi nhà cung cấp STaaS giữ cho trình xác thực dự phòng chạy (để ngăn downtime) và cả hai trình xác thực đều sử dụng một khóa cá nhân duy nhất để bỏ phiếu cho một khối (block). Slashing đề cập đến việc mạng lưới tước bỏ tất cả hoặc một phần tài sản được stake của trình xác thực.
Một số giao thức, đặc biệt là những giao thức đang ở giai đoạn đầu trong chu kỳ tăng trưởng, đã nới lỏng các chính sách cắt giảm để tối đa hóa tốc độ tăng trưởng mạng lưới. Đây nên được xem là các biện pháp tạm thời sẽ được thay đổi trong tương lai khi có nhiều trình xác thực hơn được đưa vào mạng lưới.
Mặc dù các nhà cung cấp dịch vụ STaaS giúp giảm thiểu rủi ro cắt giảm bằng chuyên môn staking, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là rủi ro này sẽ luôn tồn tại ở một số dạng khác và tùy thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ STaaS để quyết định xem có bù đắp được những tổn thất có thể xảy ra hay không.
Các nhà cung cấp ngày nay có nhiều chính sách khác nhau.
- Staked.us phát hiện ra một lỗi khiến trình xác thực ký sai các giao dịch, người ủy quyền sẽ được hoàn lại 30.000 USD cho khoản lỗ.
- Blockdaemon đưa ra chính sách bảo hiểm 100% các trường hợp cắt giảm có thể xảy ra.
- Coinbase tuyên bố trong các điều khoản của mình rằng họ có thể bồi thường cho người ủy quyền hoặc không, tùy thuộc vào lý do của hình phạt cắt giảm.
Khi ngành STaaS lớn mạnh, chúng ta có thể mong đợi bảo hiểm cắt giảm sẽ được yêu cầu bởi những người tham gia không thích rủi ro nhằm giảm thiểu bất kỳ tổn thất nào không được các nhà cung cấp STaaS bảo hiểm.
Việc tạo ra các liquid staking phái sinh dẫn đến một loạt các rủi ro kèm theo. Đầu tiên, các công cụ phái sinh này là tài sản tổng hợp, nên chúng cần duy trì sự cố định đối với tài sản stake cơ bản (underlying staked asset). Đây là nhiệm vụ không dễ dàng.
Mặc dù là liquid staking phái sinh đáng tin cậy nhất, stETH của Lido đôi khi phải vật lộn để duy trì tỷ giá 1: 1 đối với ETH. Điều này có thể do thực tế là stETH không thể đổi 1:1 thành ETH thông qua Lido cho đến khi Ethereum hoàn tất quá trình chuyển đổi sang PoS. Đến lúc đó, stETH phải dựa vào các sàn giao dịch phi tập trung để đưa ra giá thực tế.
Điều này làm cho việc sử dụng các loại tài sản trong DeFi trở nên rủi ro hơn khi sự thay đổi giá đột ngột có thể khởi động hiệu ứng thanh lý domino. Rủi ro thứ hai khi giao dịch với các công cụ staking phái sinh là vấn đề thanh khoản.
Nếu staking phái sinh không thể trao đổi lấy bất kỳ tài sản nào khác trên thị trường, thì nó không thực sự phục vụ bất kỳ mục đích nào ngoài việc trở thành biên lai ký quỹ. Điều này cũng liên quan trực tiếp đến rủi ro neo (peg risk) – một staking phái sinh càng lệch khỏi định mức (peg), thì càng trở nên kém thanh khoản hơn.
Rủi ro cuối cùng liên quan đến ngành dịch vụ STaaS là chỉ áp dụng cho các staking pool phi tập trung được thiết kế để tổng hợp và phân bổ cổ phần trên các trình xác thực khác nhau.
Các nhóm này có thể làm giảm bất kỳ rủi ro đối tác nào liên quan đến việc chọn một trình xác thực cụ thể, nhưng tăng thêm rủi ro hợp đồng thông minh vì giao thức phải định tuyến cổ phần trên mạng lưới các trình xác thực đã được phê duyệt. Các cuộc tấn công DeFi gần đây chứng minh rằng tin tặc sẽ không dừng lại ở việc khai thác giao thức.
Phi tập trung
Sẽ không có việc kiểm tra mạng lưới tiền mã hóa nào hoàn thành nếu không có cuộc thảo luận về tính phi tập trung. Một lời chỉ trích phổ biến đối với ngành công nghiệp khai thác PoW, nó khuyến khích việc tập trung hóa các nguồn tài nguyên là các nhà cung cấp bảo mật. Bất kỳ điểm tập trung nào trong hệ thống bảo mật của mạng lưới đều làm cho việc tấn công trở nên dễ dàng hơn.
Mặc dù mạng PoS không được hưởng lợi từ quy mô kinh tế tương tự như mạng PoW, nhưng ngành STaaS là một biến số quan trọng sẽ ảnh hưởng đến sự phi tập trung hóa của mạng PoS.
Để định lượng sự phi tập trung của một mạng lưới blockchain, Balaji Srinivasan đã đưa ra khái niệm về hệ số Nakamoto để đo lường số lượng thực thể mà một tác nhân xấu sẽ cần để tấn công ít nhất một hệ thống con thiết yếu; hệ số Nakamoto càng cao thì mạng lưới càng phi tập trung hơn. Với các thuộc tính đồng thuận của mạng PoS, ngưỡng tối thiểu để tấn công mạng lưới là giành được ⅓ cổ phần của mạng.
Việc áp dụng hệ số Nakamoto cho các mạng PoS hàng đầu vẽ nên một bức tranh toàn cảnh.
Một cuộc tấn công vào một trong những mạng lớn hơn như Cardano, Solana và Avalanche sẽ yêu cầu một cách tiếp cận phối hợp cao. Tiếp quản các mạng khác như Tron, Polygon, Elrond hoặc Fantom sẽ đơn giản hơn nhiều – thỏa hiệp với hai hoặc ba nhà cung cấp staking hàng đầu và chiếm hữu mạng lưới.
Một lần nữa, một phần của sự phân phối tập trung này liên quan đến sự non nớt của các mạng lưới; khi đã lớn mạnh, có thể mong đợi hệ số Nakamoto sẽ tăng chậm lại.
Ngành công nghiệp tiền mã hóa sẽ cần phải kiểm tra các nhà cung cấp STaaS lớn để ngăn chặn kiểu tập trung hóa này. Ủy quyền cho các trình xác thực nhỏ hơn và khuyến khích các nhà cung cấp STaaS tối đa hóa số lượng trình xác thực dưới sự quản lý của họ là hai cách mà cộng đồng có thể giúp các mạng PoS này duy trì tính phi tập trung nhất có thể.
Dự báo cho ngành Staking-as-a-Service
Thị trường tiền mã hóa đã làm rõ một vấn đề trong đợt bullish, đó là PoS đang thay thế PoW làm cơ chế đồng thuận thống trị cho các mạng blockchain công khai.
Bitcoin sẽ tiếp tục giữ PoW vì tính tương thích, nhưng bất kỳ mạng lưới hợp đồng thông minh nào có mục đích chung sẽ yêu cầu một công cụ đồng thuận thay thế để hỗ trợ việc áp dụng hàng loạt. Các nhà cung cấp STaaS ban đầu nhận ra cơ hội này đã tự định vị mình để tiếp tục thành công khi ngày càng nhiều nhà đầu tư tìm cách kiếm được lợi nhuận đáng tin cậy từ tài sản PoS.
Chúng tôi đã thảo luận rất chi tiết về sự phù hợp với thị trường sản phẩm mới nổi của ngành STaaS. Nhưng tương lai sẽ là gì?
Có thể lập luận rằng việc staking là điều gần nhất mà chúng ta có thể đạt được về “tỷ lệ phi rủi ro/risk-free rate” của mạng blockchain. Trong các hệ thống kinh tế truyền thống, lãi suất phi rủi ro được biểu thị bằng tỷ suất sinh lợi của trái phiếu chính phủ. Chính phủ là nền tảng của hệ thống kinh tế quốc gia. Tương tự, tính bảo mật là nền tảng của hệ thống kinh tế của blockchain.
Sự trưởng thành của nền kinh tế tiền mã hóa sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư dài hạn tìm đến hình thức lợi nhuận ban đầu này cho tài sản PoS. Thông qua cách làm này, chúng ta có thể mong đợi sự tăng trưởng liên tục của ngành STaaS.
Trong chính ngành STaaS, các giải pháp liquid staking được hưởng lợi nhiều nhất từ sự tăng trưởng liên tục. Chúng ta đã bắt đầu thấy những nhà cung cấp dịch vụ ví tập trung lớn đầu tiên bắt kịp xu hướng.
Ví dụ: Binance cung cấp một thanh khoản BETH phái sinh (liquid BETH derivative) để bù đắp chi phí cơ hội liên quan đến việc khóa Eth2 vô thời hạn. Xu hướng này sẽ tiếp tục khi các liquid staking pool phát triển hiệu ứng mạng trên các chuỗi và nhà cung cấp staking khác nhau.
Có thể mong đợi tỷ lệ hoa hồng STaaS áp dụng mô hình tương tự như phí tiêu dùng ngân hàng trong hai thập kỷ qua. Sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các FinTech buộc ngân hàng phải đưa ra mức phí ngày càng thấp để giữ chân khách hàng. Tương tự, ngày càng có nhiều giải pháp STaaS gây áp lực giảm phí hoa hồng tính trên phần thưởng staking của khách hàng.
Một biến số có thể giữ cho những tỷ lệ này cao hơn trong ngắn hạn là chi phí chuyển đổi cao do sự chưa hoàn chỉnh của các giải pháp liquid staking.
Ví dụ: nếu một đối thủ cạnh tranh mới tham gia vào thị trường cung cấp hoa hồng thấp hơn, khách hàng của STaaS không sử dụng giải pháp liquid staking sẽ cần phải đợi hết thời gian khóa để chuyển sang nhà cung cấp mới. Vào thời điểm khách hàng có thể chuyển đổi, nhà cung cấp mới khác có thể đã đưa ra mức phí thậm chí còn thấp hơn, tạo ra một cuộc đua tới đáy về phí.
Cuối cùng, với sự đơn giản của mô hình kinh doanh, các nhà cung cấp STaaS sẽ cạnh tranh chủ yếu trên thương hiệu và danh tiếng như chúng ta thấy với ngân hàng tiêu dùng ngày nay. Sự khác biệt thực tế trong các dịch vụ do Wells Fargo và Chase Bank cung cấp là rất ít. Cách chính mà các ngân hàng này giành được khách hàng là thông qua các kênh tiếp thị và cung cấp trải nghiệm người dùng được đơn giản hóa.
Nguồn: US Bank
Tương tự, các nhà cung cấp STaaS tự hào về độ an toàn cao nhất, quản lý rủi ro và liquid staking phái sinh đáng tin cậy sẽ thu hút được nhiều khách hàng nhất trong dài hạn. Luận điểm này rõ ràng rất phù hợp với sự phát triển cross-chain của Lido.
Như mọi khi, điều quan trọng cần nhớ là chúng ta đến sớm thế nào. Một cơ chế đồng thuận mang tính đột phá mới có thể được tạo ra vào ngày mai và khiến PoS không còn phù hợp. Tuy nhiên, với nhiều năm nghiên cứu đã đi vào thiết kế đồng thuận, điều này rất khó xảy ra sớm. Trong khi đó, khi PoS tiếp tục được áp dụng hàng loạt, triển vọng cho ngành STaaS vẫn ở chế độ phát triển mạnh mẽ
Bài viết được Dao Quoc Binh thuộc FXCE Crypto biên tập từ “What’s at Stake in Staking-as-a-Service?” của tác giả Rasheed Saleuddin & Chase Devens, với mục đích cung cấp thông tin và phi lợi nhuận. Chúng tôi không khuyến nghị đầu tư và không chịu trách nhiệm cho các quyết định đầu tư liên quan đến nội dung bài dịch.
—————————————————
👉 Theo dõi FXCE Ventures
Group Chat | Research Hub | FXCE Spotlight | Tổng hợp airdrop | FXCE Pool Coin