Nội dung chính
- Cosmos là một mạng lưới các monolithic (nguyên khối) blockchain, chủ yếu là ứng dụng cụ thể (app-specific), được kết nối thông qua giao thức Inter-Blockchain Communication (IBC)
- Hiện có 48 zone đang hoạt động, tăng từ 8 zone cách đây một năm (IBC hoạt động vào đầu năm 2021)
- IBC có một số hạn chế, cụ thể là các token “path dependent”, và do đó IBC có khả năng áp dụng mô hình hub & spoke xung quanh các “Hub” chính
- Cho đến nay, IBC chủ yếu được sử dụng để chuyển token; hiện tại IBC đang phát triển, mở rộng sang các trường hợp sử dụng mới như Interchain Security và Interchain Account
- Interchain Security là giải pháp cho nút thắt cổ chai (bottleneck) trong việc bootstrapping (khởi động) của Cosmos và cho phép Cosmos Hub mở rộng quy mô các tính năng mới
- Interchain Account cho phép các chain mở và kiểm soát tài khoản (account) trên các chain khác, làm tăng đáng kể quy mô và độ phức tạp của các tương tác cross-chain
- Các đối thủ lớn khác của Hub là Osmosis (Liquidity Hub), Axelar (non-IBC assets Hub), Juno (WASM Hub) và Evmos (EVM Hub)
Tầm nhìn của Cosmos
Blockchain nên mở rộng quy mô như thế nào? Tùy thuộc vào đối tượng mà ta sẽ có câu trả lời khác nhau. Ở một bên, ta có Solana, một monolithic L1 xử lý mọi việc trên một layer. Nghĩa là tất cả tính khả dụng, đồng thuận, dàn xếp (settlement) và thực thi của dữ liệu đều nằm trên một chain.
Lợi ích của việc này là khả năng tổng hợp đồng bộ (synchronous composability), yếu tố đánh đổi là tốc độ tăng trưởng của state lớn hơn và phí xác thực sẽ đắt hơn. Ethereum mở rộng quy mô theo mô-đun, tách biệt việc thực thi khỏi DA, các layer đồng thuận và dàn xếp. Việc thực thi được để lại cho các rollup như Optimism và Arbitrum trong khi L1 của Ethereum xử lý phần còn lại.
Lợi ích là giữ cho tốc độ tăng trưởng trạng thái L1 ở mức thấp, do đó cho phép người dùng cuối chạy validator, nhưng đánh đổi là việc phá vỡ khả năng tổng hợp đồng bộ và tính thanh khoản phân mảnh trên nhiều rollup khác nhau.
Điều này đưa chúng ta đến với Cosmos, một mạng lưới các monolithic app-chain được kết nối thông qua IBC, một giao thức truyền thông giảm thiểu sự tin cậy (“trust-minimized” đến mức ta chỉ cần tin tưởng các validator của từng chain).
Trong khi các app-chain của Cosmos là monolithic, xử lý tất cả các phần của giao thức DA + C + S + E trong một layer, các phần này thường được xây dựng bằng cách sử dụng ngăn xếp phần mềm mô-đun (modular software stack) bao gồm công cụ đồng thuận Tendermint, mô-đun thực thi Cosmos SDK và giao diện ABCI ở giữa.
Điều này mang lại cho các nhà phát triển khả năng dễ dàng tạo ra các chain mới với môi trường thực thi tùy chỉnh (ví dụ: CosmWasm, EVM) và tận dụng IBC để giao tiếp cross-chain an toàn.
Sự trưởng thành (maturity) và tính mô-đun của phần mềm Cosmos là chất xúc tác lớn nhất cho sự phát triển của giao thức. Mặc dù Cosmos hoàn toàn không phải là một hệ sinh thái mới, nhưng giao thức Inter-Blockchain Communication (IBC) chỉ mới hoạt động hơn một năm và hiện có 48 zone/chain đang hoạt động.
Trạng thái của hệ sinh thái
Sau khi ra mắt IBC vào năm 2021, hệ sinh thái Cosmos đã cho thấy sự tăng trưởng nhất quán của zone (chuỗi) mới cho đến quý 1 năm 2022 trước khi chững lại một chút trong quý 2. Tuy nhiên, sự chững lại có thể chỉ là tạm thời, vì nhiều giao thức đang được phát triển và sự ra mắt của Interchain Security vào tháng 8-9 sẽ cho phép các chain triển khai nhanh hơn.
Khi nhắc đến Cosmos và IBC thì điều chúng ta thường nghĩ đến là Hub (ATOM). Luận điểm ban đầu của Cosmos Hub là trở thành zone chính mà người dùng sẽ ghé qua trong IBC, nhưng việc đó đã gặp nhiều thách thức trong năm qua với Osmosis, Interchain AMM, liên tục vượt qua Hub về giá trị chuyển tài sản với tư cách là trung tâm thanh khoản chính trong hệ sinh thái.
Gần đây hơn, Axelar đã bắt đầu tạo ra một nơi kết nối các chain bên ngoài IBC như Ethereum, Polygon, Avalanche, Fantom và Moonbeam.
Hệ sinh thái gồm nhiều chain/zone khác nhau với các trường hợp sử dụng khác nhau, nhưng vẫn thiếu một yếu tố cơ bản: stablecoin.
Phần lớn thanh khoản của stablecoin trong Cosmos nằm ở Osmosis khi tài sản được bridge từ Ethereum; các stablecoin thanh khoản nhất thậm chí không có nguồn gốc từ IBC. Trong khi Agoric sẽ có một stablecoin DeFi thế chấp (IST), các mô hình này khó mở rộng quy mô và vẫn có nhu cầu về một stablecoin tập trung như USDC hay BUSD (USDC trên Osmosis là axlUSDC).
Vậy tại sao lại không phát triển các stablecoin gốc trên chính hệ sinh thái Cosmos? Việc triển khai các stablecoin tập trung trên Cosmos không đơn giản như việc phát hành (issue) trên layer cơ sở như Ethereum.
Nếu Circle muốn khởi chạy IBC-native USDC, Circle sẽ triển khai ở đâu? Circle có thể (i) khởi chạy trên Osmosis là “Trung tâm thanh khoản”, (ii) như một cơ chế bảo mật cho thuê Consumer Chain từ Cosmos Hub, (iii) hoặc thậm chí là chain độc lập tùy chỉnh của riêng mình với validator của chính Circle.
Đây không phải là một sự lựa chọn đơn giản mà còn ẩn chứa một số vấn đề đặc biệt cần lưu ý do cách thức hoạt động của IBC, mà chúng ta sẽ tìm hiểu dưới đây.
Lợi ít & hạn chế của IBC
Có một số hạn chế khi Cosmos mở rộng theo chiều ngang với IBC. Đầu tiên, các token được gửi qua IBC được gọi là “path dependent”. Nghĩa là dù cùng một tài sản nhưng nếu được chuyển theo những con đường khác thì không thế thay thế cho nhau.
Người dùng A chuyển USDC từ Chain A → B → C → D. Người dùng B chuyển USDC từ Chain A → C → B → D. Cả hai người dùng này đều có USDC có nguồn gốc từ Chain A trên Chain D, nhưng chúng không thể thay thế được vì chúng đã đi theo những con đường riêng biệt.
Khi một chain nhận được một tài sản từ một chain khác, chain nhận sẽ phát hành một “receipt” token, nhưng khi ta càng chuyển những receipt này qua các chain khác, thì sẽ càng tạo ra thêm nhiều receipt trên các receipt khác.
Mặc dù đây chưa phải là vấn đề ở thời điểm hiện tại, nhưng vấn đề này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong tương lai khi có nhiều kết nối hơn được tạo ra và đó là lý do tại sao IBC hầu như sẽ dàn xếp xung quanh các Hub chính: các zone mà tài sản đi qua là đường dẫn chuẩn (canonical path) của chúng.
Osmosis đã đóng một vai trò nhất định trong trường hợp này, các pool thanh khoản của Osmosis chỉ chấp nhận các token đã đi theo đường dẫn trực tiếp từ các chain tương ứng.
Thứ hai, có một số tác động bảo mật token đối với mô hình này. Giả sử chúng ta có 3 chain: A, B và C. A và B tin tưởng (trust) và mở các kênh kết nối với nhau. B cũng đã mở một kênh với C và cho rằng mối liên hệ với chain C có giá trị. Mặt khác, A không tin tưởng chain C và do đó không mở ra kết nối với C.
Vì B có kết nối với C nên các token từ A vẫn có thể đến chain C và sẽ chấp nhận bảo mật của chain C trong suốt thời gian có mặt/được neo ở chain A. Nếu các validator của chain C thông đồng với nhau, họ có thể claim tất cả các token được neo từ chain A được chuyển đến chain C (đánh cắp tài sản được neo trên C → chuyển về B → chuyển về A và tiến hành claim token).
Nghĩa là dựa trên token của mình, một zone trong hệ sinh thái có thể có quyền kiểm soát rất lớn đối với tính bảo mật của các zone khác, vì việc kiểm soát token không chỉ ảnh hưởng riêng lẻ đến các zone đã mở kênh kết nối mà còn liên quan đến những zone khác (các zone có kết nối với những zone mà chain đã mở kênh kết nối). Điều lý tưởng nhất sẽ là chain A và B sẽ cùng quyết định xem chain C có phù hợp để mở kết nối hay không.
Mặc dù có một số hạn chế, nhưng IBC cũng kích hoạt các khả năng cross-chain thú vị. Cho đến nay, IBC chủ yếu được sử dụng để chuyển token giữa các chain, nhưng sắp tới sẽ có một số cải tiến mới.
Interchain Security: Giải quyết nút thắt cổ chai trong việc khởi động
Interchain Security là phiên bản chia sẻ bảo mật của Cosmos, nhưng có một số khác biệt quan trọng với những gì chúng ta thường nghĩ đến khi nói về bảo mật chia sẻ.
Trên nền tảng hợp đồng thông minh (smart contract) như Solana hay Ethereum, bảo mật chia sẻ nghĩa là các ứng dụng được triển khai dưới dạng hợp đồng thông minh, chia sẻ một trạng thái duy nhất. Lợi thế lớn nhất ở đây là các ứng dụng không cần phải lo lắng về việc khởi động validator set, đây lại là một nút thắt cổ chai hiện có trong Cosmos.
Interchain Security là giải pháp của Cosmos cho vấn đề khởi động bảo mật. Thay vì khởi chạy chain Cosmos bình thường với validator set của riêng mình, các dự án có thể thuê validator của chain khác. Chain này được gọi là “provider chain” vì cung cấp bảo mật cho chain sử dụng hay “consumer chain”.
Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là sự đánh đổi không gian (tradeoff space) của Interchain Security và nền tảng hợp đồng thông minh là khác nhau. Các Dapp trên nền tảng hợp đồng thông minh thường chia sẻ cùng một thị trường phí vì tất cả chúng đều chia sẻ một không gian khối (blockspace) hữu hạn. Trong giải pháp interchain security, validator của provider chain tăng tài nguyên của mình để xác thực các consumer chain mới.
Mặc dù điều này cho phép consumer chain duy trì các thị trường phí độc lập, nhưng cũng cần các yêu cầu chặt chẽ hơn đối với validator của provider chain.
Trong khi các consumer chain về mặt lý thuyết không có giới hạn trên đối với việc mở rộng quy mô, thì trên thực tế, validator sẽ phải làm việc nhiều hơn và do đó có thể phải đầu tư vào nhiều tài nguyên tính toán hơn để chạy tất cả các chain này song song. Để đổi lấy điều này, consumer chain sẽ gửi một phần phí gas và lạm phát token cho validator của provider chain.
Có một rủi ro đối với provider chain là tính tập trung của các validator: nếu việc xác thực tất cả các consumer chain trở nên quá tốn kém, các nhà vận hành lớn hơn sẽ bắt đầu chiếm một lượng lớn thị phần hơn trong tổng số cổ phần và các nhà khai thác nhỏ hơn sẽ rời đi.
Điều này cũng có thể là một trở ngại đối với các consumer chain khi không tạo ra đủ thu nhập từ phí gas và có thể cần phải bù đắp bằng lạm phát token cao hơn giúp việc xác thực trở nên có giá trị hơn.
Trong v1, bất kỳ consumer chain nào được ban quản trị chấp nhận phải được bảo mật bởi tất cả các validator của provider chain. Trong v2 (không có thời gian cụ thể), các validator cá nhân sẽ có thể chọn tham gia/không tham gia và các validator bên ngoài provider chain cũng có thể chọn tham gia.
Có hai loại consumer chain: hợp đồng và tùy chỉnh.
- Consumer chain theo hợp đồng: các chain này chạy hợp đồng thông minh ở môi trường thử nghiệm cô lập (sandboxed environment) (ví dụ: CosmWasm hay EVM).
- Mặc dù việc trở thành ứng viên (candidate) dễ dàng hơn rất nhiều cho các validator của provider chain, nhưng điều này lại làm mất đi một số tính linh hoạt. Consumer chain sử dụng token của provider chain (ví dụ: ATOM) làm phí gas. 25% phí được chuyển đến provider chain và phần còn lại (khoảng 75%) được chuyển đến DAO của nhà phát triển, được quản trị bởi token của chính consumer chain.
- Consumer chain tùy chỉnh: chain hoàn toàn có thể tùy chỉnh được phát triển với Cosmos SDK. Gas token có thể là token tùy chỉnh của chính chain và chain có một mã nhị phân tùy chỉnh đầy đủ (full custom binary), cho phép các nhà phát triển điều chỉnh các yếu tố như tính toán phí gas và cách các giao dịch được tập hợp thành các block.
Từ quan điểm validator của provider chain, các chain này có nhiều rủi ro hơn khi tham gia, vì đi kèm với khả năng không giới hạn sẽ là các cuộc tấn công không giới hạn (giống như bất kỳ Cosmos app chain độc lập khác).
Validator có thể cô lập rủi ro của các chain này bằng cách xác thực chúng trên một máy tính riêng (mở rộng theo chiều ngang hơn). Các chain này trông giống như một Cosmos app chain tiêu chuẩn mà không cần nguồn xác thực của riêng chúng.
dYdX khởi đầu như một Ethereum L2 app-chain và hiện đang chuyển sang Cosmos. Tuy nhiên, vì dYdX được xây dựng hoàn toàn ở Cairo rollup nên khi chuyển sang một hệ sinh thái khác, quá trình chuyển đổi sang Cosmos sẽ cần thêm thời gian để phát triển. Nếu consumer chain đã tồn tại khi dYdX vừa bắt đầu và cùng khởi chạy thì quá trình chuyển đổi sang Cosmos chain sẽ đơn giản hơn nhiều.
Để nâng cấp từ consumer chain lên chain độc lập, tất cả những gì giao thức cần làm là có được validator của riêng mình. Mọi thứ khác sẽ được xây dựng từ đó. Consumer chain có thể được xem như một cách để các ứng dụng thuận tiện hơn khi muốn trở thành chain của riêng mình, cho đến khi có PMF (và vốn hóa thị trường cao hơn) để thực hiện chuyển đổi.
Interchain Security không chỉ là một cách để các chain mới khởi động mà còn là một cách để mở rộng các tính năng cho Cosmos Hub và mang lại cho hệ sinh thái sự chú ý cần thiết.
The Cosmos Hub: Bảo mật như một dịch vụ (Security as a Service)
“ATOM” không tích lũy giá trị, đây là điều đã được nhắc đến rất nhiều lần nhưng không có nghĩa là không cần thiết. Hub chỉ là một chain khác trong IBC, là phần quan trọng nhất của Cosmos nhưng cũng dẫn đến cơ chế tích lũy giá trị trực tiếp và ít rõ ràng hơn cho ATOM.
Các layer 1 token (được so sánh với ATOM nhưng không bao gồm chính ATOM) đã hoạt động tốt vào năm 2021 bởi vì 1) chúng tích lũy giá trị từ tất cả các ứng dụng được xây dựng trên mạng và 2) một mental framework đã hỗ trợ điều này. Khi nhìn vào doanh thu từ giao thức của ATOM, ta sẽ thấy rất nhiều điều đáng mong đợi.
Ethereum quá nổi trội và do đó đã làm cho biểu đồ phía trên khó có thể dùng để so sánh các hệ sinh thái khác nhau, vì vậy ta sẽ loại trừ Ethereum ra và so sánh ATOM với một số hệ sinh thái khác như hình bên dưới.
Biểu đồ trên cho thấy ATOM thực tế không tạo ra bất kỳ doanh thu nào ở thời điểm hiện tại, nhưng chúng ta cũng cần phải nhìn về tương lai. Doanh thu của ATOM sẽ thay đổi như thế nào? Để trả lời cho câu hỏi làm thế nào ATOM có thể tích lũy giá trị, chúng ta nên bắt đầu với triết lý đằng sau Cosmos Hub.
Cosmos Hub luôn thể hiện tư duy “Hub Minimalism”; giữ cho Hub đơn giản với ít rủi ro kỹ thuật nhất có thể, khởi chạy các tính năng của Hub trên các chain riêng biệt. Để hiểu rõ hơn triết lý này, chúng ta có thể tham khảo Prop 69 đã bị từ chối. Điều này sẽ giúp việc phát triển trên Hub dễ dàng hơn bằng cách cho phép hỗ trợ các hợp đồng thông minh CosmWasm, nhưng đồng thời cũng tạo ra những rủi ro mới cho Hub.
Bằng cách từ chối đề xuất và giữ cho Hub ở mức tối thiểu, hiện tại Hub tập trung 100% (và phụ thuộc) vào Interchain Security để mở rộng quy mô, nhằm trở thành provider chain chính trong hệ sinh thái. Consumer chain đầu tiên của Hub là Neutron, một “DeFi Hub” sẽ mang liquid staking của Lido đến Cosmos.
Đây là tầm nhìn trong ngắn và dài hạn cho Hub. Bảo mật như một dịch vụ (security as a service) cho phép các ứng dụng giàu tính năng khởi chạy trên các chain độc lập, biệt lập (isolated chain).
Interchain Security không chỉ là một giải pháp khởi động cho các consumer chain mà còn là một giải pháp mở rộng quy mô cho chính Hub, cho phép Hub bắt đầu khởi chạy các mô-đun chuyên dụng, mang tính thử nghiệm và rủi ro hơn trên các blockchain độc lập. Điều này vượt xa khả năng của minimized Hub.
Cho dù đó là các chain CosmWasm như Neutron, một EVM chain hay một Cosmos SDK app-chain tùy chỉnh thì tất cả chain đó sẽ thuê bảo mật từ Hub, thúc đẩy giới hạn thử nghiệm lên tất cả trong khi vẫn giảm thiểu rủi ro cho Hub. Một số chain này có thể có nhiều hoạt động hơn Hub vì chúng cho phép nhiều trường hợp sử dụng hơn và kéo theo đó là có phí gas cao hơn, trực tiếp tích lũy giá trị cho ATOM.
Tuy nhiên, phí gas khó có thể cao như các L1 “truyền thống”, vì nhiều consumer chain có thể dễ dàng khởi động và chia sẻ nhu cầu. Rất khó để đưa ra một khung định giá (valuation framework) cho tác động của các consumer chain đối với ATOM trước khi chúng hoạt động, ban đầu phần lớn giá trị tích lũy cho ATOM sẽ không đến từ phí gas mà từ chính token của các consumer chain (là các airdrop cho ATOM staker).
Một trong những vấn đề còn bỏ ngỏ chính đối với mô hình này cho ATOM là liệu các chain có sử dụng Hub để khởi động và sau đó khởi chạy bộ xác thực của riêng mình trong tương lai hay không. Nếu đúng như vậy, một khi các consumer chain phát triển các nền kinh tế có thể tạo ra phí, sôi nổi, thì các consumer chain này sẽ tách khỏi Hub và ngừng thanh toán bằng ATOM để bảo mật.
Theo thuật ngữ crypto, các chain này sẽ “rugging cộng đồng ATOM”. Đây không phải là mối quan tâm trong ngắn hạn và một số ứng dụng thậm chí sẽ không theo con đường này, nhưng đó là điều cần lưu ý một khi mô hình này phát huy tác dụng.
Trong vài năm qua, Interchain Foundation đã ưu tiên Cosmos SDK hơn Hub, giúp những bên khác dễ dàng khởi chạy các chain và tập trung vào tầm nhìn lớn hơn của mạng Cosmos. Gần đây, điều này đã thay đổi khi Hub được ưu tiên nhiều hơn và không có cách nào tốt hơn để minh họa cho việc này ngoài việc thúc đẩy khởi chạy Interchain Security.
Giá trị tích lũy trong Cosmos sẽ luôn khá phân mảnh, đó là kiến trúc có chủ ý của hệ sinh thái, nhưng Hub có thể đóng một vai trò quan trọng khi trở thành đầu tàu của Interchain Security và bằng cách tận dụng tiêu chuẩn tiếp theo là Interchain Accounts (ICS-27).
Interchain Accounts: Mang lại khả năng tương tác cho Cosmos
Các ứng dụng là chain độc lập giúp giảm thiểu tắc nghẽn và tăng khả năng mở rộng, nhưng để đạt được các điều trên đồng nghĩa với việc đánh đổi khả năng kết hợp đồng bộ: tương tác giữa hai hoặc nhiều ứng dụng khác nhau xảy ra trong cùng một block.
Các hợp đồng thông minh trên một chain duy nhất sẽ có khả năng tổng hợp đồng bộ và điều này là bắt buộc đối với một số hoạt động nhất định như các khoản vay flash loan vì khoản vay phải được hoàn trả trong cùng một block.
Nhưng có bao nhiêu ứng dụng thực sự yêu cầu khả năng tổng hợp đồng bộ? dYdX và các perps có thể tự hoạt động tốt và khả năng tổng hợp không đồng bộ của Cosmos sẽ hoạt động đủ tốt cho nhiều trường hợp sử dụng.
Một trong những thách thức với IBC trước đây là việc hạn chế trong khả năng thực hiện các hoạt động cross-chain. IBC sử dụng các tiêu chuẩn ứng dụng khi thực hiện các tương tác cụ thể như chuyển token (ICS-20) và chuyển NFT (ICS-721), nhưng nếu không có tiêu chuẩn cho giao dịch ứng dụng cụ thể thì điều gì sẽ xảy ra?
Giả sử một chain muốn thực hiện cross-chain swap hoặc mở một vị thế cho vay trên chain khác nhưng lại không có bất kỳ ICS nào cho việc này. Chúng ta sẽ cần phát triển một tiêu chuẩn mới, nhưng việc tạo ICS cần rất nhiều thời gian để phát triển đồng thời cũng đi kèm với những rủi ro riêng và không thể theo kịp mọi yêu cầu cụ thể của app-chain.
Đây là lúc Interchain Accounts (ICA) phát huy tác dụng. ICA cung cấp cho các chain khả năng mở và kiểm soát một tài khoản (account) trên một chain khác, cho phép thực hiện bất kỳ giao dịch nào có nguồn gốc từ chain đó mà không cần phát triển một tiêu chuẩn mới.
Mô hình tương tự với việc giao dịch Interchain Account là việc gửi một lá thư trong phong bì (envelope) bên trong một hộp (box).
- Chain A gửi hộp đến Chain B thông qua IBC
- Mô-đun IBC trên Chain B sẽ mở hộp và gửi phong bì đến tài khoản được kiểm soát của Chain A trên Chain B
- Interchain Account sẽ mở phong bì, đọc thư và hoàn thành nhiệm vụ cụ thể mà Chain B được yêu cầu
Thư được gửi từ Chain A có cùng định dạng với bất kỳ giao dịch Chain B nào khác, do đó không cần thiết phải có ICS mới và cho phép Chain A kiểm soát các tài khoản trên Chain B mà không cần rời khỏi Chain A.
Giao dịch này là một giao dịch non-IBC được wrap bên trong một giao dịch IBC, làm tăng đáng kể khả năng kết hợp giữa các chain/zone và cho phép tạo ra một giải pháp có khả năng mở rộng hơn nhiều so với việc tạo ra các tiêu chuẩn mới.
Các zone có thể là máy chủ (host), bộ điều khiển (controller) hoặc cả hai. Máy chủ lưu trữ các tài khoản từ các zone khác, tuân theo các hướng dẫn của IBC và sau đó thực hiện các giao dịch. Bộ điều khiển tạo tài khoản trên chain máy chủ và quản lý/kiểm soát chúng. Trong hình trên, Chain A là zone điều khiển và Chain B là zone máy chủ. Một số ví dụ về khả năng tổng hợp cross-chain sẽ được kích hoạt với Interchain Account là:
- Multi-chain DAO: DAO có thể quản lý tất cả tài sản từ một chain nhưng tham gia vào các hoạt động trong hệ sinh thái khác như staking trên chain gốc, cung cấp thanh khoản bằng tài sản trong ngân quỹ, khởi chạy NFT,…
- CDPs: người dùng có thể vay trên một blockchain bằng cách sử dụng tài sản thế chấp trên một blockchain khác.
- Quản trị cross-chain: nền tảng liquid staking Quicksilver sẽ sử dụng Interchain Account để cho phép các qAsset holder (qAsset là liquid staking token) bỏ phiếu cho các chain mà người dùng đã stake tài sản. Người dùng thường từ bỏ quyền bỏ phiếu với liquid staking token nhưng IA có thể giúp người dùng giữ lại quyền bỏ phiếu.
- DeFi vault: trong phiên bản mới Sommelier sẽ khởi chạy trên Osmosis, sử dụng IA để gửi các chiến lược được tính toán off-chain đến một tài khoản trên Osmosis.
- Token swaps: swap tài sản trên các zone khác nhau bằng cách sử dụng Osmosis.
Thật vậy, bất cứ điều gì chúng ta hiện có thể thực hiện trong DeFi (trừ một số tương tác yêu cầu khả năng kết hợp đồng bộ) đều có thể hoàn thành trên Cosmos. Interchain Account cũng chỉ giúp trải nghiệm người dùng cuối liền mạch hơn; người dùng không cần rời khỏi một chain để thực hiện các hoạt động trên những chain khác.
Điều này tạo ra trải nghiệm người dùng tốt hơn và giảm thiểu rủi ro vận hành và bảo mật tiềm ẩn như chuyển tài sản giữa các chain một cách thủ công, quản lý các ví khác nhau cho các chain khác nhau,…
Interchain Account và Interchain Security là hai chất xúc tác lớn nhất trong hệ sinh thái Cosmos cho đến nay và khả năng kết hợp trong Cosmos chỉ là một phần nhỏ trong hệ sinh thái. Chúng ta đã đề cập đến Cosmos Hub, nhưng có một số Hub tiềm năng khác trong hệ sinh thái có khả năng tiếp nhận một hoặc cả hai chất xúc tác trên.
- Osmosis: The “Liquidity”
- Hub Axelar: The “Non-IBC Assets”
- Hub Juno: The “WASM”
- HubEvmos: The “EVM” Hub
Các Hubs tiềm năng khác: Osmosis, Axelar, Juno và Evmos
Osmosis
Osmosis là một trong những động lực chính trong việc áp dụng IBC trong năm qua. Ra mắt vào tháng 6 năm 2021, Osmosis nhanh chóng trở thành “Trung tâm thanh khoản – Liquidity Hub” trong IBC và tích lũy được TVL gần 2 tỷ USD ở thời điểm cao nhất.
Như một làn gió mới, Osmosis là một AMM app-chain. Osmosis liên tục không chỉ là chain có thanh khoản nhiều nhất mà còn là chain tạo điều kiện cho nhiều hoạt động nhất trong toàn IBC. Mặc dù Osmosis bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự kiện UST depeg, nhưng vẫn tạo điều kiện cho hơn 2x về khối lượng của zone đứng phía sau và có số lần chuyển tài sản nhiều nhất trong tháng qua, xử lý gấp 4 lần so với Cosmos Hub.
Osmosis có thể là một Hub chính có kết nối trực tiếp đến phần lớn các chain trong toàn bộ hệ sinh thái. Osmosis hiện được kết nối với 45 trong số 47 zone khác, nhiều nhất trong hệ sinh thái và hơn Cosmos Hub (40 zone).
Nếu xem xét lại những hạn chế của IBC, tất cả các tài sản trên Osmosis sẽ kết thúc là đường dẫn trực tiếp từ chain gốc. Nguyên nhân là do các tài sản đường dẫn đơn (single path asset) từ chain gốc sẽ là pool duy nhất được khuyến khích trên Osmosis. Vì vậy, đây là nơi mà tất cả thanh khoản sẽ tồn tại và nơi tất cả các giao dịch sẽ diễn ra.
Osmosis cũng có một dấu ấn riêng trong việc áp dụng Interchain Security khi sắp ra mắt Interfluid Staking. Các tài sản được gửi từ các IBC chain vào các pool thanh khoản của Osmosis sẽ có thể được stake và giúp bảo mật chain gốc.
Osmosis sẽ có nhiều tính năng hơn nữa trong tương lai bên cạnh việc là một AMM. Mổ rông sang mảng NFT, order book và lĩnh vực cho vay. Sản phẩm đầu tiên đến từ giao thức Mars (một dự án incubation của Delphi Labs), khởi chạy các hợp đồng thông minh CosmWasm trên Osmosis cho phép người dùng tận dụng các vị thế LP của mình.
Trong khi Osmosis hỗ trợ các hợp đồng thông minh CosmWasm, việc này không phải không cần phép (permissionless), mà được đưa vào whitelist bởi các validator. Gần đây, Osmosis đã bỏ phiếu để sử dụng Axelar làm cầu nối chuẩn (canonical bridge) cho các tài sản non-IBC và các pool có tài sản Axelar hiện chiếm 4 trong số 6 pool hàng đầu trên chain. Đây là các tài sản non-IBC được bridge từ Ethereum: USDC, WETH, WBTC và DAI.
Axelar
Axelar là một “overlay network” dựa trên Tendermint được xây dựng trên Cosmos SDK hỗ trợ giao dịch cross-chain, khả năng kết hợp của các ứng dụng và truyền thông điệp chung giữa bất kỳ hệ sinh thái blockchain nào. Nghĩa là Axelar có thể dịch các thông điệp từ bất kỳ một mạng nào sang mạng khác, như thông điệp IBC sang thông điệp Ethereum và ngược lại.
Như đã đề cập, Axelar được bỏ phiếu đề xuất làm cầu nối chuẩn của Osmosis cho các tài sản non-IBC, nghĩa là Axelar là giao diện người dùng mặc định để bridge từ/đến Osmosis đến/từ các hệ sinh thái bên ngoài IBC và tất cả các pool non-IBC được khuyến khích trên Osmosis đều là các tài sản Axelar.
Trong khi đó Axelar được kích hoạt IBC theo mặc định, nghĩa là giao thức có thể kết nối với các chain khác trong IBC một cách liền mạch (hiện có 13 IBC peer).
Hiện tại Axelar đã được đưa vào làm cầu nối chuẩn cho Osmosis, giao thức có khả năng trở thành nhà phát hành (issuer) chính của các tài sản non-IBC trong toàn bộ hệ sinh thái.
Nói cách khác, Axelar là dự án dẫn đầu trong việc trở thành “Hub cho các tài sản non-IBC”. Axelar hỗ trợ 15 chain, đã thực hiện hơn 200.000 giao dịch chuyển tài sản và khối lượng đạt xấp xỉ 815 triệu USD, phần lớn trong số đó là Terra và 124 triệu USD trong số đó là đường dẫn (path) giữa Osmosis và Ethereum.
Tài sản được phát hành nhiều nhất của Axelar trên Osmosis là USDC, và vì vậy nếu Circle ra mắt USDC dưới dạng tài sản gốc IBC thì vị thế của Axelar sẽ bị ảnh hưởng, nhưng Axelar vẫn có vị thế tốt để mang đến các tài sản crypto non-IBC khác và tất nhiên vẫn sẽ truyền thông điệp giữa các hệ sinh thái.
Juno
Juno gần như đối lập với chủ nghĩa tối giản của Cosmos Hub. Được ra mắt với tên gọi “Sister Hub”, được thiết kế như một mạng hợp đồng thông minh CosmWasm. Juno không gọi vốn từ VC mà airdrop 47% nguồn cung token cho ATOM staker, tương tự như Osmosis (các chain airdrop token mới cho người dùng IBC là một việc phổ biến trong hệ sinh thái này).
Mental framework phù hợp để đưa Juno vào hệ sinh thái là hợp đồng thông minh truyền thống/mục đích chung L1 sử dụng IBC để kết nối với các chain Cosmos. Juno là một trong những dự án tiên phong áp dụng Interchain Account.
Mặc dù Juno đã ra mắt một số ứng dụng nhưng đây vẫn là một chain cực kỳ non trẻ (và ngày càng gặp nhiều khó khăn), nhưng Juno đang cố gắng tạo ra một thị trường ngách là “WASM Hub” của IBC. Mặc dù Juno cũng sẽ kích hoạt Interchain Security nhưng sẽ rất khó để cạnh tranh với Hub trong lĩnh vực này.
Evmos
Ở phía ngược lại chúng ta có Evmos, nhằm trở thành EVM Hub của IBC. Tương tự như điều Juno đang cố thực hiện nhưng với EVM thay vì CosmWasm. Evmos đặt mục tiêu không chỉ là một EVM chain mà trở thành một EVM Hub . Nghĩa là không chỉ có EVM chain độc lập v1 mà giao thức còn đảm bảo cả consumer chain EVM.
Hệ sinh thái hoàn chỉnh
Dưới đây là các dự án đáng chú ý khác trong hệ sinh thái, cả hiện tại và trong thời gian tới.
- Quicksilver: giao thức liquid staking, sẽ khởi chạy với các validator của riêng mình nhưng trở thành một consumer chain của Cosmos Hub khi Interchain Staking đi vào hoạt động. ATOM, JUNO và OSMO sẽ là các chain đầu tiên được ra mắt và các staker sẽ nhận được airdrop QCK.
- Agoric: chain hợp đồng thông minh được xây dựng trên JavaScript cho hơn 10 triệu nhà phát triển JS trên thế giới. Ứng dụng đầu tiên ra mắt trên Agoric sẽ là Inter Protocol, một loại stablecoin thế chấp có nguồn gốc từ IBC hoạt động rất giống với DAI của Maker. Đây sẽ là ứng dụng lớn đầu tiên sử dụng ATOM làm tài sản thế chấp trong IBC.
- dYdX: giao dịch phái sinh đã chuyển từ một Ethereum L2 ZK-rollup sang một Cosmos app-chain. Các sàn giao dịch phái sinh khác trong hệ sinh thái là Injective (đang hoạt động ở hiện tại) và Sei Network (chưa đi vào hoạt động nhưng đã khởi chạy testnet được khuyến khích vào ngày 11 tháng 7.)
- Saga: giao thức triển khai tự động các blockchain dành riêng cho ứng dụng được gọi là chainlet; các hợp đồng thông minh chạy dưới dạng các chain cô lập. Tương tự như điều mà Cosmos Hub sẽ cung cấp với Interchain Security nhưng tập trung vào lĩnh vực gaming và giải trí.
- Sommelier: DeFi yield vault tự động. Cellar (hầm chứa) đầu tiên sẽ là chiến lược Aave stablecoin, cho phép người dùng gửi stablecoin vào cellar và sau đó nhờ các chiến lược gia trên Sommelier đưa ra các chiến lược riêng tư off-chain. Trong tương lai, Sommelier sẽ tận dụng Interchain Account để tạo ra các chiến lược trên các zone IBC như Osmosis.
- Penumbra: bảo vệ cross-chain riêng tư theo mạng mặc định. Penumbra chấp nhận bất kỳ tài sản nào có nguồn gốc từ chain IBC, hoạt động như một pool được bảo vệ cho toàn bộ hệ sinh thái. Penumbra là một trong số ít chain trong hệ sinh thái không thực sự sử dụng Cosmos SDK, thay vào đó dựa trên việc triển khai của chính mình.
- Stargaze: NFT chain với launchpad và thị trường riêng sử dụng hợp đồng thông minh CosmWasm để các nghệ sĩ ra mắt bộ sưu tập. Nếu xem OpenSea là dự án tạo ra doanh thu phí gas hàng đầu trên Ethereum, thì Stargaze cô lập tất cả hoạt động này với chain riêng trong khi sử dụng IBC để chuyển tài sản và giao tiếp với các chain khác.
- Neutron: ra mắt với tư cách là consumer chain theo hợp đồng đầu tiên được Cosmos Hub bảo mật. Nó sẽ là một CosmWasm được kích hoạt “DeFi Hub” với ứng dụng đầu tiên của mình là liquid staking. Cosmos Hub gần đây đã phê duyệt ngân sách 150.000 ATOM cho các consumer chain và 1/3 trong số này sẽ dành cho việc phát triển Neutron.
Tương lai của hệ sinh thái Cosmos
Cosmos đang bước vào giai đoạn thứ ba nhờ vào các nguyên tắc mới như Interchain Security và Interchain Account. Đây là những bước cơ bản cho các ứng dụng cross-chain không chỉ tận dụng các chức năng của các zone riêng biệt mà còn loại bỏ rất nhiều sự phức tạp trong trải nghiệm người dùng. Khả năng tổng hợp cross-chain là miếng mồi ngon mới trong hệ sinh thái.
Bài viết được Huyền Trang biên tập từ “Cosmos: The Evolution of IBC” của tác giả Ceteris; với mục đích cung cấp thông tin và phi lợi nhuận. Chúng tôi không khuyến nghị đầu tư và không chịu trách nhiệm cho các quyết định đầu tư liên quan đến nội dung bài dịch.
—————————————————
👉 Theo dõi FXCE Ventures
Group Chat | Research Hub | FXCE Spotlight | Tổng hợp airdrop | FXCE Pool Coin