Phiên giao dịch ngày 25.10 (giờ Việt Nam), một loạt dữ liệu kinh tế từ Đức, khu vực đồng euro và Anh khiến giá dầu giảm mạnh và làm ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng nhu cầu năng lượng.
Cụ thể, giá dầu Brent giảm 1,76 USD, tương đương 1,96%, xuống mức 87,12 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,91 USD, tương đương 2,2%, xuống mức 83,58 USD/thùng.
Theo Reuters, dữ liệu hoạt động kinh doanh khu vực đồng euro bất ngờ giảm trong tháng này. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) do S&P Global tổng hợp cho thấy, hoạt động kinh doanh ở Đức đã giảm xuống 46,5 trong tháng 10 từ mức 47,2 của tháng 9 và là mức thấp nhất kể từ tháng 11.2020.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Anh cũng báo cáo hoạt động kinh doanh sụt giảm hằng tháng, nhấn mạnh rủi ro suy thoái kinh tế ngay trước thềm quyết định lãi suất của Ngân hàng Anh vào tuần tới.
Ngược lại với châu Âu, dữ liệu của Mỹ cho thấy, sản lượng kinh doanh tăng cao trong tháng 10 khi ngành sản xuất thoát khỏi tình trạng suy thoái kéo dài 5 tháng. Điều này khiến đồng USD tăng giá và giá dầu trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng đang dần ổn định sau khi nhiều nước tăng cường nỗ lực ngoại giao ở Trung Đông nhằm ngăn xung đột giữa Israel và Hamas leo thang.
Reuters thông tin, các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu sẽ kêu gọi Israel và Hamas thực hiện ngừng bắn nhân đạo để hàng viện trợ có thể đến tay người dân Palestine ở Gaza. Cùng với đó, các nhà lãnh đạo của Pháp và Hà Lan sẽ đến thăm Israel trong tuần này.
Bên cạnh yếu tố địa chính trị, giá dầu có thể sẽ biến động giằng co trước hàng loạt thông tin quan trọng trong tuần này. Tâm điểm chú ý của thị trường là dữ liệu tăng trưởng GDP quý III và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ.
Theo các nhà phân tích, nếu dữ liệu lạm phát cao hơn dự kiến có thể làm tăng mối lo ngại về việc nâng lãi suất trong cuộc họp ngày 1.11 tới đây của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Theo Lao Động