Phiên giao dịch ngày 26.10 (giờ Việt Nam), giá dầu tăng do lo ngại xung đột Israel – Hamas lan rộng.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 1,05 USD, lên mức 89,00 USD/thùng. Tương tự, giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,65 USD, tương đương 1,97%, lên mức 85,39 USD/thùng.
Giá dầu đảo chiều đi lên do căng thẳng chính trị tại Trung Đông leo thang khi Israel đã tăng cường ném bom vào nam Gaza và bạo lực bùng phát tại những nơi khác ở Trung Đông. Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết Israel đang chuẩn bị một cuộc chiến trên bộ vào Gaza.
Tuy nhiên, hạn chế đà tăng của giá dầu là tồn kho dầu thô của Mỹ cao hơn dự kiến và triển vọng kinh tế ảm đạm ở châu Âu.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng 1,4 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 20.10 lên 421,1 triệu thùng, vượt mức tăng 240.000 thùng mà các nhà phân tích dự đoán.
Trước đó, dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô ở Mỹ đã giảm 2,668 triệu thùng; tồn kho xăng giảm 4,169 triệu thùng; tồn kho sản phẩm chưng cất cũng giảm khoảng 2,313 triệu thùng. Sự giảm này cho thấy nhu cầu mạnh mẽ tại Mỹ.
Bob Yawger, Giám đốc phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho nhận xét dữ liệu từ EIA đã giúp giá dầu có xu hướng giảm vì đây là một bước chuyển lớn từ giảm trong dữ liệu của API sang mức tăng trong dữ liệu của EIA.
Trong một diễn biến khác, nhu cầu dầu có thể được thúc đẩy ở Trung Quốc khi nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới đã phê duyệt dự luật phát hành 1.000 tỉ nhân dân tệ (137 tỉ USD) trái phiếu chính phủ và cho phép chính quyền phát hành khoản nợ mới từ hạn ngạch năm 2024 để thúc đẩy nền kinh tế.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đã thực hiện các bước có thể hạn chế nhu cầu dầu thô như đặt mức trần cho công suất lọc dầu ở mức 1 tỉ tấn vào năm 2025 để hợp lý hóa lĩnh vực chế biến dầu rộng lớn và hạn chế lượng khí thải carbon.
Theo Lao Động