Giá vàng đã tăng chóng mặt trong tháng 10 do nhu cầu phòng ngừa rủi ro sau khi chiến tranh Israel-Hamas bùng nổ. Tuy nhiên khi không còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố địa chính trị, vàng đang trở nên nhạy cảm hơn với yếu tố lãi suất…
Giá vàng thế giới giảm phiên thứ ba liên tiếp do nhu cầu phòng ngừa rủi ro địa chính trị lắng xuống và trong lúc nhà đầu tư chờ những tín hiệu mới về lập trường chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Giá vàng miếng trong nước diễn biến ngược lại, tái lập mốc 70 triệu đồng/lượng và nới rộng chênh lệch với giá quốc tế.
Lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư tại thị trường Mỹ, giá vàng giao ngay giảm 18,9 USD/oz, tương đương giảm 0,96%, còn 1.950,8 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Giá vàng đã tăng chóng mặt trong tháng 10 do nhu cầu phòng ngừa rủi ro sau khi chiến tranh Israel-Hamas bùng nổ. Tuy nhiên, nhu cầu này đã giảm sút gần đây, khiến giá vàng giảm mạnh trở lại và không giữ được mốc chủ chốt 2.000 USD/oz.
“Phần bù rủi ro mà giá vàng có được từ chiến tranh Israel-Hamas đang mất đi. Nếu xung đột leo thang, giá vàng mới có thể nhận được một chút động lực”, chiến lược gia Phillip Streible của công ty Blue Line Futures nói với Reuters.
Không còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố địa chính trị, giá vàng đang trở nên nhạy cảm hơn với yếu tố lãi suất. Thị trường đang nghiêng về khả năng Fed đã hoàn tất việc tăng lãi suất sau 11 đợt nâng kể từ tháng 3/2022, nhưng cho rằng Fed có thể sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài vì lạm phát còn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%.
Phát biểu ngày thứ Tư, một số quan chức Fed giữ quan điểm cân bằng về các bước đi chính sách tiền tệ tiếp theo, đồng thời nhấn mạnh sẽ chú trọng hơn nữa vào các số liệu kinh tế và ảnh hưởng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao ở các kỳ hạn dài.
Trong bài phát biểu cùng ngày tại hội nghị về thống kê của Fed, Chủ tịch Fed Jerome Powell không đề cập đến chính sách tiền tệ hay triển vọng kinh tế. Thị trường đang dành mối quan tâm cho một bài phát biểu khác của ông Powell vào ngày thứ Năm, và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 dự kiến công bố vào tuần tới.
Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 50% Fed có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên với mức giảm ít nhất 0,25 điểm phần trăm ngay vào tháng 5/2024. Tuần trước, khả năng này là 41%. Tuy nhiên, các đặt cược cũng cho thấy lãi suất của Fed có thể giữ trên mức 5% cho tới hết tháng 6/2024, từ mức hiện nay là 5,25-5,5%.
“Các nhà giao dịch đang chuyển sự chú ý trở lại với số liệu kinh tế và các động thái tiềm năng của Fed. Giá vàng sẽ diễn biến tuỳ theo các số liệu sắp tới như thế nào”, chiến lược gia Daniel Ghali của TD Securities nhận định với hãng tin Reuters. “Sẽ khó có một chất xúc tác để vàng tăng giá nếu các số liệu kinh tế Mỹ không suy yếu thấy rõ”.
Quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bán ròng khoảng 0,3 tấn vàng trong phiên ngày thứ Tư, giảm khối lượng nắm giữ còn 867,3 tấn vàng. Từ đầu tháng tới nay, quỹ này mua nhiều hơn bán.
Kỳ vọng về việc Fed đã hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất được phản ánh trong xu hướng giảm của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD thời gian gần đây. Tuy nhiên, lợi suất và tỷ giá giảm chỉ giúp vàng hạn chế phần nào mức giảm giá, chứ không thể giúp vàng duy trì vùng giá đỉnh.
Phiên ngày thứ Tư, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 6,2 điểm cơ bản, chốt phiên sát 4,5% – mốc được xem là một đáy mới, sau khi lợi suất vượt 5% lần đầu tiên sau 16 năm vào cuối tháng trước.
Tỷ giá đồng USD cũng giảm do áp lực từ kỳ vọng về lãi suất, với chỉ số Dollar Index chốt phiên ở mức 105,5 điểm, từ mức 105,6 điểm của phiên trước. Trong vòng 1 tháng trở lại đây, chỉ số đã giảm gần 1%.
Lúc gần 9h sáng nay (9/11) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở mức 1.953,7 USD/oz, tăng 2,9 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York – theo Kitco.
Mức giá này tương đương 57,8 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, giảm 300.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua. Từ đầu tuần tới nay, giá vàng thế giới quy đổi đã giảm 1,5 triệu đồng/lượng.
Đầu giờ sáng, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 69,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 70,1 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm sáng qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 200.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 58,7 triệu đồng/lượng và 59,7 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với sáng qua.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 69,1 triệu đồng/lượng và 70,1 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ đang cao hơn 12,3 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 11,8 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua. Giá vàng nhẫn đang cao hơn thế giới 1,9 triệu đồng/lượng.
Vietcombank đầu giờ sáng nay báo giá USD ở mức 24.170 đồng (mua vào) và 24.540 đồng (bán ra), tăng 50 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua. Tuy nhiên, từ đầu tuần tới nay, giá USD tại ngân hàng này đã giảm 150 đồng.