Cơ sở của dự báo này là UBS cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái và có nguy cơ cắt lãi suất trong thời gian dài.
UBS dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất tới 2,75 điểm phần trăm trong năm 2024, nhiều gấp 4 lần so với mức dự báo đồng thuận của thị trường. Cơ sở của dự báo này là UBS cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế Mỹ 2024-2026 công bố đầu tuần này, ngân hàng lớn nhất Thuỵ Sỹ nói rằng cho dù nền kinh tế lớn nhất thế giới đã trụ vững trong năm 2023, nhiều trở ngại và rủi ro vẫn sẽ duy trì sang năm 2024. Trong khi đó, các nhà kinh tế của UBS nhận định “trong năm 2024 sẽ không còn tất cả các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng như năm nay để nền kinh tế vượt qua những thách thức tiếp diễn đó”.
UBS cho rằng tiến trình giảm lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên sẽ khiến sản lượng kinh tế Mỹ suy yếu trong năm 2024, dẫn tới Fed phải cắt giảm lãi suất “trước hết là để lãi suất danh nghĩa không trở nên thắt chặt quá mức trong lúc lạm phát xuống thang, và tiếp đó là để ngăn nền kinh tế đuối sức”.
Trong chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát bắt đầu từ tháng 3/2022 đến nay, Fed đã có 11 lần tăng lãi suất, đưa lãi suất quỹ liên bang tăng từ mức 0-0,25% lên 5,25-5,5% hiện nay. Lần tăng lãi suất gần đây nhất của Fed diễn ra vào tháng 7 năm nay, và sau đó, trong cuộc họp vào tháng 9 và tháng 11, Fed đều giữ nguyên lãi suất.
Việc Fed “án binh bất động” trong hai cuộc họp liên tiếp khiến thị trường tài chính đồn đoán rằng lãi suất đã đạt đỉnh, đồng thời bắt đầu dự báo về thời điểm và mức độ cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, trong một bài phát biểu vào tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói ông “chưa dám chắc” Fed đã thắt chặt tới mức đủ để lạm phát giảm một cách bền vững về mục tiêu 2%.
UBS nhấn mạnh rằng cho dù Fed thắt chặt mạnh tay nhất kể từ thập niên 1980, tổng sản phẩm trong nước (GDP) thực của Mỹ vẫn đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm 2,9% trong quý 3 vừa qua. Tuy nhiên, báo cáo cũng nói rằng lợi suất trái phiếu đã tăng lên và thị trường chứng khoán Mỹ đương đầu với áp lực giảm từ cuộc họp tháng 9 của Fed cho tới gần đây mới hồi phục. UBS tin rằng thực tế này làm gia tăng mối lo ngại về tăng trưởng và cho thấy nền kinh tế “chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn”.
“Sự tăng trưởng của nền kinh tế đang diễn ra dưới sức ép của lãi suất cao. Các tiêu chuẩn tín dụng có vẻ như đã thắt chặt nhiều hơn so với so với sự định giá lại thông thường. Thu nhập của người lao động đang thấp dần đi”, báo cáo có đoạn viết. “Theo ước tính của chúng tôi, chi tiêu trong nền kinh tế đang cao hơn so với thu nhập, chẳng qua nhờ các kế hoạch kích cầu và tiền tiết kiệm dôi dư”.
UBS ước tính lực hỗ trợ tăng trưởng từ chính sách tài khoá trong năm 2023 sẽ không còn trong năm tới, trong khi tiền tiết kiệm của các gia đình vơi dần và tình hình tài chính của các doanh nghiệp cũng yếu đi.
“Ngoài ra, nếu nền kinh tế không yếu đi đáng kể, chúng tôi nghi ngờ việc Fed có thể lập lại ổn định giá cả. Năm 2023, kinh tế tăng trưởng tốt hơn dự báo vì nhiều rủi ro không trở thành hiện thực. Nhưng điều đó không có nghĩa là những rủi ro đó đã biến mất”, báo cáo viết.
“Chúng tôi dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chậm lại nhiều trong năm 2024, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên, và lãi suất quỹ liên bang sẽ giảm nhiều, về mức khoảng 2,5-2,75% vào cuối năm”.
UBS dự báo nền kinh tế giảm khoảng 0,5% vào giữa năm 2024, khiến tăng trưởng GDP cả năm chỉ đạt 0,3% và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên gần 5% vào cuối năm.
“Cùng với sự gia tăng của động lực giảm lạm phát, chúng tôi dự báo việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm tới sẽ thúc đẩy kinh tế hồi phục trong năm 2025, đưa tăng trưởng GDP trở lại mức khoảng 2,5%, tỷ lệ thất nghiệp lập đỉnh ở 5,2% vào đầu năm 2025. Sau đó, kinh tế Mỹ sẽ lại giảm tốc vào năm 2026, một phần do chính sách tài khoá điều chỉnh”, báo cáo nhận định.
Theo định nghĩa được áp dụng ở nhiều nền kinh tế, suy thoái xảy ra khi có hai quý tăng trưởng âm liên tiếp. Tại Mỹ, Cục Nghiên cứu kinh tế Quốc gia (NBER) định nghĩa suy thoái là “một sự suy giảm lớn trong hoạt động kinh tế, xảy ra trong khắp nền kinh tế và kéo dài hơn một vài tháng”. Việc đánh giá nền kinh tế có suy thoái hay không của NBER dựa trên các yếu tố gồm thị trường lao động, tiêu dùng của người dân, chi tiêu của doanh nghiệp, sản lượng công nghiệp và thu nhập.
Dự báo của UBS về lãi suất và tăng trưởng kinh tế Mỹ đều thấp hơn mức đồng thuận của thị trường. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,1% trong năm 2024, vượt mức tăng của các nền kinh tế phát triển khác.
Trao đổi với hãng tin CNBC hôm thứ Hai, ông Kamakshya Trivedi, trưởng bộ phận ngoại hối, lãi suất và chiến lược thị trường mới nổi toàn cầu của Goldman Sachs nói rằng ngân hàng đầu tư này “tương đối lạc quan” về triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ.
“Tăng trưởng thu nhập thực tế đang khá chắc chắn, và tôi cho rằng điều này sẽ tiếp tục trong năm 2024. Chu kỳ công nghiệp toàn cầu đã đi qua một giai đoạn yếu trong năm nay và có vẻ đang thoát đáy, bao gồm tại một số khu vực của châu Á, nên chúng tôi cảm thấy khá tin ưởng”, ông Trivedi nói.
Chiến lược gia này cũng nói rằng với lạm phát giảm dần về mục tiêu, chính sách tiền tệ của Fed sẽ nới lỏng, và một số quan chức Fed gần đây cũng đã phát đi vài tín hiệu mềm mỏng. “Tôi cho rằng sự kết hợp của các yếu tố gồm chính sách bớt thắt chặt, chu kỳ công nghiệp mạnh lên và tăng trưởng thu nhập thực tế sẽ khiến Fed giảm lãi suất một cách chậm chạp”, ông kết luận.