Tiêu điểm chính
- Mô hình Burn-and-Mint Equilibrium (BME) và mô hình Stake-for-Access (SFA) là hai mô hình token phổ biến nhất được sử dụng bởi các giao thức cơ sở hạ tầng Web3. Chúng giải quyết vấn đề vận tốc và tạo ra mối quan hệ giữa việc sử dụng mạng và giá token.
- Mô hình BME yêu cầu người dùng cuối burn token gốc của giao thức Web3 để truy cập các dịch vụ, chuyển việc sử dụng giao thức thành áp lực mua token.
- Mô hình SFA yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ stake token gốc của giao thức Web3 để thực hiện công việc trên mạng, điều này chuyển đổi sự tham gia mạng thành áp lực mua token.
- Trong khi mô hình SFA phù hợp nhất với các giao thức cung cấp hàng hóa có thể thay thế (undifferentiated commodity) thì mô hình BME hoạt động tốt nhất cho các giao thức vận hành tương tự như doanh nghiệp, khi đó họ có thể tự định giá và cạnh tranh về phát triển kinh doanh và quan hệ đối tác.
Việc tạo ra giá trị và tích lũy giá trị không giống nhau. Dù crypto đã thành công trong việc tạo ra giá trị, nhưng nó vẫn đang tìm cách tích lũy thêm. Có thể thấy rõ khoảng cách giữa tạo giá trị và tích lũy giá trị trong Uniswap. Mặc dù là sàn giao dịch phi tập trung (DEX) phổ biến nhất với khối lượng cao nhất, token của Uniswap vẫn gặp khó khăn trong việc tích lũy giá trị vì nó chỉ có tiện ích duy nhất là quản trị giao thức.
Vài năm gần đây đã có sự bùng nổ của các giao thức cơ sở hạ tầng Web3 phục vụ các phần mềm trung gian của Web3 stack. Tất cả dự án đều phải đối mặt với thách thức khi việc sử dụng mạng và giá token bị điều chỉnh.
Báo cáo này sẽ đánh giá hai mô hình token tiện ích phổ biến nhất mà các giao thức cơ sở hạ tầng Web3 sử dụng để nắm bắt giá trị: mô hình Burn-and-Mint Equilibrium (Cân bằng giữa Burn và Mint – BME) và mô hình Stake-for-Access (Stake để truy cập – SFA).
Vấn đề vận tốc
Các nhà đầu tư thường tin rằng nếu nguồn cung token tiện ích của giao thức Web3 được cố định thì giá sẽ tăng khi nhu cầu đối với các dịch vụ của giao thức tăng. Tuy nhiên, quan điểm này chưa tính đến vận tốc (Velocity) của token – chỉ số đo lường số lần một loại tiền tệ thay đổi chủ sở hữu.
Vận tốc là đầu vào quan trọng trong phương trình trao đổi (MV=PQ). Chris Burniske đã điều chỉnh phương trình để định giá tài sản crypto bằng cách xác định các biến số sau:
- M = quy mô tài sản
- V = vận tốc của tài sản
- P = giá của tài nguyên kỹ thuật số được cung cấp
- Q = số lượng tài nguyên kỹ thuật số được cung cấp
Theo phương trình của Burniske, khi giải M (có thể chia M cho nguồn cung lưu thông để tính giá token), vận tốc của coin tỷ lệ nghịch với giá token. Nói cách khác, mọi người giữ token càng lâu thì giá càng tăng. Trong trường hợp token không có tiện ích bổ sung, người dùng sẽ dùng coin để sử dụng dịch vụ và sau đó họ sẽ bỏ token. Chu kỳ này tạo ra áp lực giảm giá.
Để giải quyết vấn đề vận tốc và tăng thời gian người dùng nắm giữ token, các giao thức Web3 triển khai cơ chế tăng tiện ích, burn và khuyến khích.
Tích lũy giá trị token
Giá token được thúc đẩy bởi hai thành phần: thành phần đầu cơ và thành phần cơ bản. Ban đầu, giá của token tiện ích thường được thúc đẩy bởi đầu cơ. Theo thời gian, khi các giao thức trưởng thành và việc sử dụng mạng tăng, giá trị token sẽ được thúc đẩy bởi tiện ích và nhu cầu.
Giá trị cơ bản được thúc đẩy bởi nhu cầu về dịch vụ và cơ chế nắm bắt giá trị của giao thức. Outlier Ventures và LongHash Ventures đã mô tả cách tích lũy giá trị thông qua các cơ chế khác nhau, bao gồm:
Cơ chế quản trị Web3
○ Quản trị on-chain: Cung cấp cho token holder quyền quyết định trong giao thức.
○ Ủy thác quyền biểu quyết: Cho phép token holder ủy thác quyền biểu quyết cho một người tham gia khác.
○ Tiếp tục quản trị: Khuyến khích token holder tiếp tục stake token quản trị để tối đa hóa quyền biểu quyết.
Cơ chế stake trên Web3
○ Proof-of-Stake: Cơ chế đồng thuận yêu cầu validator phải stake token để có cơ hội tạo một block mới và được nhận thưởng.
○ Mô hình Stake-for-Access: Yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ cho mạng phải stake token.
○ Cơ chế danh tiếng: Khuyến khích holder stake token nhằm tạo nên một nguồn chân lý cho giao thức Web3.
Cơ chế chia sẻ lợi nhuận
○ Mô hình Cân bằng giữa Burn và Mint: Yêu cầu người dùng burn token gốc để truy cập các dịch vụ của giao thức Web3.
○ Mô hình phân phối doanh thu trực tiếp: Giao thức Web3 phân phối một phần doanh thu cho các holder đã stake token.
○ Ngân quỹ/Mô hình tài trợ: Một phần doanh thu được phân bổ cho ngân quỹ của giao thức Web3, nó sẽ được dùng cho các mục đích khác nhau.
Các cơ chế vừa nêu giúp token tích lũy giá trị. Chúng giảm vận tốc (tăng thời gian nắm giữ token) thông qua việc khóa token và khuyến khích người dùng nắm giữ token để đổi lấy phần thưởng hoặc quyền biểu quyết giao thức.
Ngoài ra, việc burn làm giảm tổng nguồn cung token, dẫn đến giá của các token cũng khác nhau. Giá token bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố quan trọng khác trong thiết kế, bao gồm nguồn cung token của giao thức là cố định, lạm phát hay giảm phát.
Để token nắm bắt được giá trị, điều cần thiết là phải thiết kế tốt tokenomic. Vì các giao thức Web3 vẫn còn sơ khai nên chúng cần sự đồng thuận về tiêu chuẩn tokenomic tối ưu. Do đó, các giao thức sẽ tiếp tục thử nghiệm các cơ chế nắm bắt giá trị và tokenomic khác nhau.
Tương quan giữa việc sử dụng mạng Web3 với giá token
Hai trong số các mô hình token phổ biến nhất là mô hình Burn-and-Mint Equilibrium và mô hình Stake-for-Access. Các giao thức cơ sở hạ tầng Web3 sử dụng hai mô hình này để tạo liên kết giữa việc sử dụng mạng và giá token. Về cơ bản, mô hình BME hoạt động bằng cách biến việc sử dụng giao thức thành áp lực mua token trong khi mô hình SFA biến sự tham gia vào mạng thành áp lực mua token.
Mô hình Cân bằng giữa Burn và Mint
Mô hình Cân bằng giữa Burn và Mint sử dụng hệ thống dual-token:
- Token đang tìm kiếm giá trị (value-seeking), có thể giao dịch (tradable)
- Token thanh toán, không thể giao dịch, được gọi là tín dụng
Để truy cập các dịch vụ của một giao thức Web3 sử dụng mô hình BME, người dùng cuối phải burn token của giao thức để nhận token thanh toán độc quyền (gọi là tín dụng), chúng cần thiết để thanh toán. Các token tín dụng hoạt động tương tự như gói cước di động trả trước.
Hệ thống dual-token cho phép cố định giá các dịch vụ của giao thức và được tính bằng USD hoặc tài sản/tiền tệ ít biến động hơn. Thay vì định giá các dịch vụ bằng token đang tìm kiếm giá trị (giá dao động), các giao thức Web3 đã cố định giá cho các token tín dụng bằng USD.
Để hiểu rõ hơn hãy xem Mạng Helium, nơi mỗi token tín dụng được cố định ở mức 0,00001 USD. Muốn có được 100.000 token tín dụng để dùng trên mạng, 100 USD token HNT của Helium phải được burn. Vì vậy, tỷ lệ token tín dụng quy đổi ra HNT sẽ dao động nhiều hơn.
Sau khi burn các token đang tìm kiếm giá trị và nhận được token tín dụng, người dùng cuối sẽ sử dụng chúng để thanh toán cho các nhà cung cấp dịch vụ của giao thức Web3. Sau khi mạng xác minh rằng các nhà cung cấp dịch vụ đã hoàn thành công việc mà người dùng cuối yêu cầu, giao thức Web3 sẽ mint một lượng token đã xác định trước, độc lập với quy trình burn token, để thưởng cho các nhà cung cấp dịch vụ.
Kết quả là, nếu lượng token bị burn bằng với lượng token mới được mint thì hệ thống sẽ ở trạng thái cân bằng. Tuy nhiên, nếu lượng token bị burn nhiều hơn lượng token được mint (hiệu ứng giảm phát) thì nguồn cung token giảm dần sẽ tạo ra áp lực tăng giá. Khi giá tăng, số lượng token cần burn để nhận được token tín dụng sẽ ít hơn, giúp hệ thống trở lại trạng thái cân bằng.
Giới hạn nguồn cung token là một đặc điểm thiết kế chung của các giao thức, mặc dù chúng có một số nhược điểm. Sau khi đạt đến giới hạn nguồn cung, dự án không thể tiếp tục khuyến khích những người tham gia mạng. Nhưng may mắn thay, một sáng kiến đổi mới nền kinh tế crypto được gọi là Net Emission (phát thải ròng) cho phép mô hình BME hoạt động hòa hợp với nguồn cung bị giới hạn.
Net Emission tái chế các token bị burn và tái phát hành chúng dưới dạng phần thưởng nhằm đảm bảo rằng giao thức Web3 có thể tiếp tục khuyến khích người tham gia vĩnh viễn. Để không làm mất tác dụng của hiệu ứng giảm phát, số lượng token được tái chế mỗi chu kỳ sẽ bị giới hạn.
Do đó, nếu lượng token bị burn vượt quá giới hạn, hiệu ứng giảm phát vẫn sẽ diễn ra. Giao thức đầu tiên thực hiện cơ chế này là Helium, họ đã triển khai vào tháng 11 năm 2020. Kể từ đó, cơ chế đã trở thành tiêu chuẩn trong các giao thức sử dụng mô hình BME với nguồn cung bị giới hạn.
Mô hình Stake để Truy cập trên Web3
Mô hình Stake để Truy cập, còn được gọi là mô hình work token, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ stake token gốc để thực hiện công việc cho mạng lưới Web3. Các token đã stake cũng được xem như một tài sản thế chấp, chúng có thể bị slash để trừng phạt những người tham gia độc hại.
Sử dụng The Graph làm ví dụ, giao thức này yêu cầu những người tham gia (Indexer và Curator) stake token gốc (GRT) để cung cấp dịch vụ lập chỉ mục và xử lý truy vấn cho mạng. Càng stake nhiều GRT, họ càng kiếm được nhiều phần thưởng.
Thông thường, số lượng token đã stake tỷ lệ thuận với lượng công việc mà các nhà cung cấp dịch vụ có thể thực hiện. Mối quan hệ này tạo ra một động lực để các nhà cung cấp dịch vụ kiếm được thu nhập (bằng token gốc) dựa trên số lượng token mà họ stake. Do đó, với mô hình SFA, giá token sẽ tăng khi việc sử dụng mạng tăng. Kyle Samani, nhà đồng sáng lập Multicoin Capital, đã giải thích điều này một cách hùng hồn:
Khi nhu cầu về dịch vụ tăng, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ tăng thêm doanh thu. Với nguồn cung token cố định, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ trả nhiều tiền hơn cho mỗi token để kiếm một phần lợi nhuận từ dòng tiền đang tăng trưởng.
Mặc dù mô hình SFA thường chỉ được áp dụng cho phía cung cấp dịch vụ, nhưng nó cũng có thể được sử dụng cho phía nhu cầu của giao thức. Pocket Network không chỉ yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ stake để thực hiện công việc mà còn để truy cập các dịch vụ RPC của giao thức. Phương pháp tận dụng phía nhu cầu thu được nhiều giá trị hơn, nhưng phải trả giá bằng trải nghiệm người dùng cuối.
Kết luận về hạng tầng Web3
Cả SFA và BME đều giải quyết vấn đề vận tốc và tạo ra mối quan hệ giữa việc sử dụng mạng và giá token. Khi mức sử dụng mạng tăng lên, giá của token cũng vậy. Tuy nhiên, nhược điểm của mối quan hệ này là nếu việc sử dụng mạng giảm, giá token cũng giảm theo. Dù trường hợp nào xảy ra thì cả hai mô hình đều hướng đến việc khuyến khích tất cả những người tham gia bằng cách thúc đẩy cộng đồng sử dụng mạng.
Samani tin rằng mô hình SFA thu được nhiều giá trị hơn so với mô hình BME, nhưng SFA không thể được áp dụng cho mọi giao thức. Mô hình SFA chỉ hoạt động đối với các giao thức cung cấp hàng hóa có thể thay thế.
Đối với những giao thức có các nhà cung cấp dịch vụ không cung cấp hàng hóa thuần túy thì mô hình BME hoạt động tốt nhất. Mô hình BME cho phép các giao thức hoạt động tương tự như doanh nghiệp, trong đó giao thức có thể tự định giá, đồng thời cạnh tranh về phát triển kinh doanh và quan hệ đối tác.
Khi nhà phát triển tiếp tục thử nghiệm, các biến thể mới hoặc thậm chí các mô hình mới có khả năng xuất hiện. Muốn token của giao thức nắm bắt được giá trị thì phải thiết kế tốt tokenomic để tạo ra giá trị cơ bản. Thành phần đầu cơ giá token sẽ không bao giờ hoàn toàn biến mất.
Nhưng nếu hầu hết đội ngũ dự án tập trung vào giá trị tích lũy của token thì một tương lai nơi giá token được thúc đẩy bởi việc sử dụng mạng thực tế có vẻ khả thi.
Bài viết được Đỗ Nguyễn Hồng Mai biên tập từ “How are Web3 Infrastructure Protocols Trying to Capture Value?” của tác giả Sami Kassab; với mục đích cung cấp thông tin và phi lợi nhuận. Chúng tôi không khuyến nghị đầu tư và không chịu trách nhiệm cho các quyết định đầu tư liên quan đến nội dung bài dịch.
—————————————————
👉 Theo dõi FXCE Ventures
Group Chat | Research Hub | FXCE Spotlight | Tổng hợp airdrop | FXCE Pool Coin