Các giải pháp mở rộng quy mô và khả năng tương tác là hệ thống cốt lõi của ngành công nghiệp tiền mã hóa. Ngày nay, có hơn 100 public blockchain đang hoạt động. Cần phải có các cầu nối (bridge) để có thể truyền tài sản và thông tin giữa chuỗi này và chuỗi khác.
Nhưng trước khi đi sâu vào các cầu nối blockchain thì câu hỏi đặt ra là: tại sao ngay từ đầu các blockchain phải tương thích với nhau? Việc xem xét một số kiến thức kinh tế học có thể giúp làm rõ điều này.
Hãy tưởng tượng có một thế giới đơn giản chỉ gồm hai nền kinh tế Bỉ và Pháp, trong đó Bỉ chỉ sản xuất bia và Pháp chỉ sản xuất rượu. Pháp thường được biết đến với khả năng sản xuất rượu tốt hơn Bỉ vì nước này có các cơ sở sản xuất, nguồn lao động, chuyên môn và khí hậu phù hợp – mặc dù các yếu tố này sau này có thể thay đổi theo sự nóng lên toàn cầu.
Khi so sánh với bia của Bỉ, không khó để tưởng tượng rằng Pháp sẽ tốn nhiều chi phí hơn để sản xuất bia. Trong mô hình đơn giản này, cả hai quốc gia đều chuyên sản xuất một mặt hàng.
Trên thực tế, người Pháp (thường) không chỉ muốn uống rượu vang. Trong trường hợp không có giao thương, họ vui vẻ cắt bớt một phần sản xuất rượu để sản xuất bia. Vấn đề là sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu Pháp có thể xuất khẩu lượng rượu dư thừa của mình và nhập khẩu bia từ Bỉ. Điều này cũng áp dụng cho Bỉ với tư cách là một nước chuyên sản xuất bia.
Giải pháp tối ưu rất hiển nhiên: cả hai nền kinh tế có thể tận hưởng nhiều hàng hóa hơn với cùng một lượng tài nguyên bằng cách tham gia vào thương mại.
Lý thuyết thương mại cho chúng ta thấy rằng theo cách này hay cách khác thì mọi nền kinh tế đều có lợi từ thương mại. Mạch suy nghĩ này cũng có thể được áp dụng cho các hệ sinh thái blockchain. Các blockchain cũng chuyên về các use case, đối tượng mục tiêu và khu vực địa lý duy nhất. Những khác biệt quan trọng nhất đến từ bộ ba bất khả thi về khả năng mở rộng (scalability trilemma) được đặt tên bởi Vitalik Buterin.
Theo thuyết này, tất cả các mạng lưới phải đánh đổi giữa việc hoàn toàn phi tập trung, sự bảo mật hoặc có thể mở rộng. Ví dụ, Ethereum ưu tiên khả năng phi tập trung và bảo mật hơn khả năng mở rộng. Mặt khác, Solana tối ưu hóa hiệu suất bằng cách đánh đổi sự phi tập trung.
Trong ví dụ trên, lý thuyết thương mại cho chúng ta thấy rằng chúng ta nên chạy các ứng dụng máy tính chuyên sâu như các công cụ phái sinh trên Solana và xử lý các giao dịch quan trọng trên Ethereum. Đó là nếu các blockchain này có thể “trao đổi” thông tin với nhau.
Bộ ba bất khả thi về khả năng mở rộng chính là lý do tại sao các nền tảng hợp đồng thông minh thay thế có nhiều sức hút vào năm 2021. Thay vì tối đa hóa Ethereum, người dùng đã chuyển sang các mạng lưới khác nhau cho các ứng dụng khác nhau. Trong năm ngoái, tổng giá trị bị khóa (total value locked – TVL) đã tăng từ $18 tỷ lên gần chạm mức $250 tỷ trên các Layer-1 và các giải pháp mở rộng.
Khi thị trường tiếp tục phát triển, sự thống trị của Ethereum có thể từ từ suy giảm theo thời gian. Ngày nay, Ethereum kiểm soát khoảng 60% TVL trong các nền tảng hợp đồng thông minh. Con số này đã giảm 30% so với tháng 8 năm 2020 – một tín hiệu rõ ràng cho thấy crypto đang hướng tới một thế giới đa chuỗi.
Tất cả các chuỗi khối mới này cần phải hợp tác với nhau thay vì cạnh tranh trong các silo (liên kết dựa trên chủ đề) và cần có các trình kết nối cross-chain hiệu quả để tạo ra giao tiếp giữa các chuỗi. Nhu cầu giao tiếp xuyên chuỗi là nơi mà các cầu nối bắt nguồn.
Cầu nối mở ra một sân chơi hoàn toàn mới: cho phép người dùng truy cập các nền tảng mới cùng với các tài sản, giao thức của mình để tương tác với nhau và các nhà phát triển có thể xây dựng các tính năng và sản phẩm mới. Có một cơ hội đáng kinh ngạc trong cơ sở hạ tầng cầu nối và Allbridge đang đặt nền móng cho điều đó.
Allbridge là gì?
Ra mắt vào tháng 7 năm 2021, Allbridge là một cầu nối blockchain Proof-of-Stake với thuật toán đồng thuận on-chain. Nền tảng cung cấp một cách thức đơn giản và đáng tin cậy cho việc chuyển token giữa các mạng lưới khác nhau. Allbridge được hỗ trợ bởi APYSwap Foundation và ban đầu tập trung vào việc kết nối Solana với các chuỗi khác. Do đó ban đầu nền tảng này được gọi là Solbridge.
Nhận thấy rằng bản thân có thể sử dụng chuyên môn của mình để kết nối bất kỳ mạng lưới nào, dự án đã đổi tên thành Allbridge.
Hiện nhóm nghiên cứu Allbridge mong muốn tạo ra một trung tâm đa chuỗi phi tập trung để kết nối các tài sản. Để có quỹ thực hiện những tham vọng này, Allbridge đã tung ra token ABR của mình trên các launchpad Boca Chica và Smartpad vào tháng 9 năm 2021. Dự án gần đây cũng đã trải qua quá trình đổi tên thương hiệu để cải thiện trải nghiệm người dùng và phục vụ cho nhiều đối tượng hơn.
Allbridge kết nối các token trên Ethereum Virtual Machine (EVM), Layer-2, các chuỗi khối không tương thích với EVM; và có kế hoạch hỗ trợ NFT trong tương lai. Giao thức sử dụng kiến trúc mô-đun để tích hợp các chuỗi bổ sung hiệu quả hơn.
Kết quả là: Allbridge đã có thể hỗ trợ 47 tài sản trên Ethereum, BSC, Solana, Polygon, Avalanche và sáu mạng lưới khác trong vòng bảy tháng. Aurora và Harmony là các blockchain mới nhất được hỗ trợ trên nền tảng này.
Tổng cộng $5 tỷ đã được bắc cầu trên nền tảng cho đến nay – tăng 117% so với $2,3 tỷ được bắc cầu vào tháng 10. Vào tháng 12, khoản chi phí trị giá $231.000 đã được thu trên nền tảng; và trung bình, 2.900 lệnh chuyển (transfer) được thực hiện trên Allbridge mỗi ngày.
Solana là mạng lưới hoạt động tích cực nhất với 44% thị phần phí thu được. Tại thời điểm viết bài, lượng tài sản trị giá gần $380 triệu đang bị khóa trong pool thanh khoản của mạng lưới. Đó là những con số thành công đối với bất kỳ giao thức 7 tháng tuổi nào và rõ ràng, vẫn còn một cơ hội lớn khi Allbridge tiếp tục tích hợp các blockchain và token.
Allbridge được xây dựng như thế nào?
Allbridge có một nền tảng rất trực quan cho người dùng. Người dùng kết nối ví của mình và thực hiện giao dịch gửi trên blockchain nguồn là A, và giao dịch nhận trên blockchain đích là B. Quá trình chuyển giao chỉ mất đúng khoảng thời gian cần thiết để hoàn thành giao dịch trên hai blockchain. Điều này có nghĩa là quá trình transfer có thể được hoàn tất gần như ngay lập tức nếu tốc độ xác nhận đủ nhanh.
Đằng sau trải nghiệm người dùng đơn giản này là một thiết kế giao thức sáng tạo. Người dùng có thể thực hiện bốn lần transfer khác nhau trên Allbridge:
- Gửi native token và nhận native token: Các native token được khóa trên blockchain A và được mở khóa trên blockchain B. Quá trình này hoạt động tương tự như một DEX với hai pool thanh khoản tạo điều kiện cho việc hoán đổi.
- Gửi native token và nhận wrapped token: Các native token bị khóa trong pool thanh khoản trên blockchain A và wrapped token được mint trên blockchain B.
- Gửi wrapped token và nhận native token: Wrapped token được burn trên blockchain A và native token được mở khóa từ pool thanh khoản trên blockchain B.
- Gửi wrapped token và nhận wrapped token: Wrapped token được burn trên blockchain A và được mint trên blockchain B.
Việc chuyển giao được hoàn thành bởi một loạt các request giữa người dùng, các hợp đồng thông minh trên cả hai blockchain và các trình xác thực (validator). Hướng dẫn chi tiết về tất cả các lần transfer trên Allbridge có thể được tìm thấy trong tài liệu.
Ví dụ: khi chuyển native token để lấy wrapped token, người dùng gửi native token đến hợp đồng thông minh trên blockchain A. Hợp đồng thông minh sẽ khóa các token và tạo một request log (quá trình ghi lại quá trình xử lý request) khi giao dịch hoàn tất. Trước khi người dùng có thể gửi giao dịch nhận đến blockchain B thì trước tiên các validator (trình xác thực) phải kiểm tra request log.
Nếu các validator kết luận rằng tiền được khóa đúng cách trên blockchain A, họ sẽ gửi chữ ký cho người dùng, người này sẽ gửi chữ ký đó đến hợp đồng thông minh trên blockchain B. Sau đó, hợp đồng thông minh sẽ mint số lượng wrapped token tương thích và gửi chúng cho người dùng. Wrapped token theo dõi giá của tài sản ban đầu bằng cách sử dụng Oracle nhưng nó tương thích với blockchain khác.
Quy trình lock-and-mint trên Allbridge đảm bảo mối quan hệ 1:1 giữa lượng token bị lock và được mint trên hai chuỗi.
Nguồn: Documentation
Các validator đóng một vai quan trọng trong Allbridge. Mọi giao dịch bắc cầu phải được xác nhận bởi 2/3 số validator. Đổi lại, họ được chia một phần phí hợp lý khi giao dịch được ký kết thành công. Để trở thành một validator, bạn phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cụ thể. Các yêu cầu này chủ yếu liên quan đến khả năng thiết lập các máy chủ và các node.
Ngoài ra, các validator trên Allbridge phải stake token ABR. Các khoản tiền được stake này sẽ bị cắt giảm trong trường hợp validator có hành vi ác ý. Việc cắt giảm khuyến khích validator hành động cho lợi ích tốt nhất của giao thức.
Không giống như hầu hết các giải pháp bắc cầu, Allbridge sử dụng thuật toán đồng thuận validator on-chain. Điều này có nghĩa là mọi giao dịch xác thực đều có thể được theo dõi và xác minh trên chuỗi, điều này giúp cải thiện tính minh bạch cho giao thức. Một trình khám phá block chuyên dụng sẽ được phát triển để giám sát việc chuyển giao.
Sự bảo mật (Security)
Theo PeckShield, các cầu nối đã bị tấn công với mức cao kỷ lục $644 triệu trong quý 3 năm 2021. Con số này bao gồm $611 triệu bị đánh cắp từ Poly Network – đây có thể là vụ trộm lớn nhất trong lịch sử DeFi mặc dù tài sản đã được trả lại vài tuần sau đó. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy rằng $147 triệu, tương đương 55% tài sản bất hợp pháp, được chuyển tiền mặt thông qua các cầu xuyên chuỗi trong sáu tháng đầu năm 2021.
Rõ ràng, có rất nhiều hành vi sai phạm trong không gian bridge. Do đó, một cầu nối blockchain lý tưởng không chỉ nên đảm bảo tính kết nối, thông lượng cao, hiệu quả về chi phí và trustless mà còn phải rất an toàn.
Nhóm nghiên cứu Allbridge đã bày tỏ một số biện pháp để nâng cấp bảo mật, chẳng hạn như yêu cầu kiểm toán bảo mật bổ sung, thực hiện tính năng kill switch và hạn chế các giao dịch ra bên ngoài (outbound transaction). Vào tháng 10 năm 2021, cuộc kiểm toán do nhà tư vấn bảo mật blockchain Hacken thực hiện đã phát hiện thấy mã của Allbridge được bảo mật tốt.
Tokeneconomics
Hệ sinh thái Allbridge hoạt động dựa trên token ABR và xABR. Các token được sử dụng để thanh toán phí và stake như sau:
Người dùng phải trả một khoản phí cầu nối cố định là 0,3% cho mỗi lần giao dịch. Các khoản phí này được thanh toán bằng token được chuyển. Các dự án phải trả tiền thuê hàng tháng để sử dụng cầu nối. Phí đăng ký được thanh toán bằng ABR. Trong tất cả các khoản phí được tạo ra trên nền tảng, 80% được đổi sang ABR và được phân phối cho các staker. Phần còn lại được chia cho nhóm.
Staker có thể khóa ABR trên tất cả các blockchain tích hợp. Đổi lại, họ nhận được token xABR theo tỷ lệ 1-1, con số này đại diện cho cổ phần của họ trong pool staking của blockchain. Các staker nhận được phần thưởng từ phí và các chương trình khuyến khích. Khi phần thưởng được thêm vào pool staking, số lượng ABR trong pool sẽ tăng lên và xABR trở nên có giá trị hơn ABR.
Các token xABR được burn để đổi lấy ABR khi người dùng hủy stake và do đó người dùng nhận được nhiều ABR hơn so với số lượng ban đầu họ đã khóa. Đây là cách các staker tạo ra lợi nhuận trên Allbridge.
Nguồn: Documentation
Ngoài lợi suất hấp dẫn, các staker cũng được hưởng lợi từ phí phần trăm động. Người dùng sở hữu xABR trên một blockchain cụ thể được tính phí thấp hơn cho các giao dịch được gửi từ mạng lưới đó. Phí bridge được giảm theo cấp số nhân. Điều này có nghĩa là người dùng có thể được giảm nhiều chi phí bằng cách stake chỉ một số lượng nhỏ.
Hiện tại, chỉ cần stake 10 xABR thì chi phí giảm từ mức cố định 0,3% xuống 0,2%. Phí bridge phụ thuộc vào cổ phần trong pool của người dùng và do đó thay đổi linh hoạt với TVL. Phí tối thiểu hiện được thiết lập là $0,50. Mô hình phí được thiết kế để khuyến khích việc stake và là một đề xuất giá trị quan trọng đối với người dùng.
Tổng cộng 100.000.000 token ABR đã được phân phối cho cộng đồng, APYSwap, nhóm, các pool staking và pool thanh khoản, các chương trình khuyến khích và hệ sinh thái DAO. Public sale đã được tổ chức trên các launchpad Boca Chica và Smartpad vào tháng 9 năm 2021. Có một số danh mục người nhận mà trong đó, token sẽ được mở khóa tuyến tính theo một chu kỳ nhiều năm và tùy thuộc vào chu kỳ khóa (cliff) nửa năm hoặc hàng năm.
Lịch trình phân phối và mở khóa ban đầu như sau:
Nguồn: Documentation
Có phải tất cả cầu nối được tạo ra đều bình đẳng?
Nhiều nhà phát triển đã nhận ra cơ hội cho các connector (trình kết nối) trong thế giới đa chuỗi. Tại thời điểm viết bài, có hơn 40 dự án cầu nối khác nhau. Mặc dù tất cả đều tìm cách làm tăng tính tương tác cho không gian tiền mã hóa nhưng không phải tất cả chúng đều được tạo ra như nhau. Dmitriy Berenzon đã phân loại tối ưu thành bốn loại cầu nối:
- Chuyên về tài sản (Asset-specific): Đây là các cầu nối cung cấp quyền truy cập vào một tài sản cụ thể từ một chuỗi bên ngoài. BTC là loại tài sản phổ biến nhất được bridge và BitGo’s Wrapped BTC là cầu nối lớn nhất của BTC đến Ethereum.
- Chuyên về chuỗi (Chain-specific): Đây là các cầu nối kết nối hai mạng lưới khác nhau. Phổ biến nhất là cầu nối Layer-2. Ví dụ, Avalanche Bridge cho phép người dùng chuyển tài sản từ Ethereum sang Avalanche và ngược lại
- Chuyên về ứng dụng (Application-specific): Các ứng dụng cung cấp quyền truy cập vào hai hoặc nhiều blockchain, nhưng chỉ cho sử dụng trong các ứng dụng đó. Ví dụ: Compound Gateway và Thorchain xây dựng các blockchain riêng biệt để cho vay và giao dịch cross-chain.
- Tổng quát (Generalized): Các giao thức được thiết kế để truyền thông tin qua nhiều blockchain. Allbridge là một cầu nối tổng quát phục vụ giao dịch tài sản. Một ví dụ khác là Chainlink – bắc cầu thông tin off-chain trên nhiều mạng lưới.
Với tổng cộng hơn 100 mạng lưới và hơn 40 dự án trên 4 loại bridge, cuối cùng bạn sẽ có một thị trường vốn đã bị phân mảnh. Về bản chất, Allbridge cạnh tranh với bất kỳ dự án nào cho phép việc chuyển tài sản qua các mạng lưới. Do đó, các dự án như Compound Gateway và Chainlink không được coi là đối thủ cạnh tranh. Lưu ý rằng để đơn giản, bối cảnh cạnh tranh được minh họa bên dưới sẽ không hoàn toàn toàn diện.
Với sự phát triển của các nền tảng hợp đồng thông minh thay thế, các cầu nối đến Ethereum là yếu tố bắt buộc để tăng cường áp dụng. Do đó, các cầu Ethereum đã hoàn toàn bùng nổ trong năm nay. Với gần $0,7 tỷ TVL vào tháng 4, tài sản trị giá hơn $22 tỷ hiện đã bị khóa trên thị trường. Con số đó chiếm khoảng 9% TVL trong các nền tảng hợp đồng thông minh.
Tại thời điểm viết bài, đã có 83.000 người dùng chỉ gửi tiền (unique depositor) trong 30 ngày qua và các cầu nối Polygon có TVL lớn nhất với $6,0 tỷ. Các cầu nối Avalanche và cầu nối Ronin Bridge của Axie Infinity lần lượt đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba với TVL lần lượt là $5,4 tỷ và $4,8 tỷ. Khi các blockchain thay thế ngày càng trở nên phổ biến thì những con số này sẽ tăng lên rất nhiều trong tương lai.
Đánh giá dự án Allbridge
Đến giờ, rõ ràng là chúng ta đang hướng tới một thế giới đa chuỗi. Vì vậy, thay vì burn các cầu nối thì ngày càng có nhiều nhu cầu về các connector cross-chain. Các dự án cầu nối này phải hỗ trợ càng nhiều tài sản và mạng lưới càng tốt với tốc độ nhanh nhất và chi phí thấp nhất có thể.
Và trong khi thị trường có sự cạnh tranh khốc liệt thì các nhà xây dựng dự án phải giữ kỷ luật và thực hiện các tiêu chuẩn bảo mật cao nhất để ngăn chặn hoạt động độc hại.
Allbridge đang hướng tới một hệ thống một cửa (single-window system). Nó muốn cung cấp một cầu nối chung, nơi tất cả các tài sản có thể được truy cập bất kể chúng thuộc blockchain nào. Điều này được phản ánh trong lộ trình. Nhìn chung, nhóm đang tập trung vào bốn chủ đề chính:
- Các Blockchain: Các mạng lưới mới liên tục được tích hợp để củng cố vị trí của Allbridge như một cầu nối tổng quát. Với 12 mạng lưới nhất hiện đã được hỗ trợ trên nền tảng, Allbridge hướng tới việc tiếp tới sẽ tích hợp Tezos, NEAR, Arbitrum, Optimism và các mạng lưới khác.
- Phi tập trung: Nhiều validator hơn sẽ được thêm vào đầu năm 2022 và giao diện DAO sẽ ra mắt để trở thành một cầu nối thực sự phi tập trung. Chưa có ngày ra mắt dự kiến cho giao diện.
- Marketing: Sau những cải tiến về UX và đổi thương hiệu gần đây, Allbridge sẽ khởi chạy một loạt các chiến dịch tiếp thị và chương trình khuyến khích để thu hút người dùng. Nhóm cũng sẽ thiết lập quan hệ đối tác với DEX để xây dựng hệ sinh thái của mình.
- Các sản phẩm B2B: Khi cầu nối hướng tới người dùng ngày càng được thiết lập nhiều hơn, Allbridge cũng muốn xây dựng dịch vụ B2B của mình. Nhóm có kế hoạch khởi chạy một open API (Giao tiếp lập trình ứng dụng mở) vào quý 1 năm 2022 và triển khai giao diện cho các việc đăng ký dự án. Trong tương lai, Allbridge tìm cách cung cấp giải pháp API cầu nối như một dịch vụ (bridge-as-a-service) cho AMM và các dự án khác.
Cho đến nay, Allbridge đã có thể thực hiện những lời hứa của mình. Kiến trúc mô-đun của Allbridge đã chứng minh mình là một phương thích hiệu quả để bắc cầu các mạng mới. Trong vài tháng qua, nền tảng này đã cung cấp hơn 132 cầu nối qua 12 mạng lưới. Dự án cũng đang đạt được sức hút với tổng cộng hơn $5 tỷ được bắc cầu.
Vẫn còn phải xem liệu nhóm có thể đảm bảo bảo mật cho giao thức và đối đầu với những giao thức lâu đời hơn như Multichain hay không. Nếu Allbridge có thể tiếp tục quỹ đạo này thì sẽ có một con đường thú vị cho dự án trong tương lai.
Bài viết được Hiền Lê biên tập từ “From Burning Bridges to Allbridges” bởi tác giả Michiel Van Tilborg; với mục đích cung cấp thông tin và phi lợi nhuận. Chúng tôi không khuyến nghị đầu tư và không chịu trách nhiệm cho các quyết định đầu tư liên quan đến nội dung bài dịch.
—————————————————
👉 Theo dõi FXCE Ventures
Group Chat | Research Hub | FXCE Spotlight | Tổng hợp airdrop | FXCE Pool Coin