Tâm điểm của thị trường trong những ngày tới sẽ là các cuộc họp chính sách đầu tiên trong năm 2024 của các ngân hàng trung ương lớn.
ECB và BOC dự báo giữ nguyên lãi suất
Cả Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều được dự báo sẽ lần lượt đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất trong hôm nay và ngày mai.
Sự chú ý của giới đầu tư sẽ đổ dồn vào những tuyên bố chính sách tiền tệ được các quan chức đưa ra nhằm tìm kiếm những manh mối về xu hướng lãi suất trong thời gian tới.
Tại Canada, thị trường kỳ vọng BOC sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất khoảng 1 điểm % trong năm nay, với lần cắt giảm đầu tiên vào tháng 4. Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia tham gia khảo sát của Reuters dự báo, giới chức BOC sẽ khó có thể đưa ra các tín hiệu ôn hòa khi lạm phát tại Canada vẫn ở mức cao. Mức lãi suất hiện nay, nhiều khả năng vẫn sẽ được duy trì, ít nhất là cho tới tháng 6.
Còn tại châu Âu, ECB cũng được dự báo sẽ phát đi tín hiệu chưa sẵn sàng cho việc cắt giảm lãi suất. Thị trường hiện đang kỳ vọng mức cắt giảm 1,3 điểm % vào cuối năm nay, với lần cắt giảm đầu tiên trong tháng 4. Tuy nhiên, giới chức ECB gần cho biết, họ sẽ không vội vàng thay đổi chính sách và lần cắt giảm đầu tiên có thể diễn ra vào tháng 6.
Fed nói “không vội được”
Tại Mỹ, dữ liệu lạm phát trong tháng cuối cùng năm ngoái mới được công bố gần đây đã làm thay đổi rất nhiều dự báo của thị trường về hướng đi chính sách tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Bây giờ, thị trường không còn bàn tới việc Fed sẽ hạ lãi suất bao nhiêu lần trong năm nay mà thay vào đó là liệu có hạ lần nào hay không và khi nào là lần hạ đầu tiên.
Nhật báo phố Wall cho rằng, thị trường thì mong hạ lãi suất sớm. Nhưng Fed nói “không vội được”. Lạm phát “cứng đầu” đã không ngăn được phong trào kêu gọi hạ lãi suất sớm. Mới đây, Ngân hàng Barclays vẫn dự báo Fed hạ lãi suất lần đầu vào tháng 3. Nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs cũng ủng hộ phương án này từ lâu. Cho dù gần đây, qua lời phát biểu của thành viên Fed, Christopher Waller, ông này đã thấy dự báo trên có thể đã sai.
Trang tài chính CNN viết, theo giao dịch của các hợp đồng tương lai thì khả năng giữ nguyên lãi suất hoặc hạ trong cuộc họp tháng 3 là 50/50, tức giảm so với mức 70% khả năng hạ chỉ cách đây vài tuần khi thị trường phấn khởi bởi lạm phát giảm gần mục tiêu 2% của Fed. Ông Christopher Waller, người có tầm ảnh hưởng ở Fed, nhận định: “Khi tới thời điểm hạ lãi suất thì nó sẽ được hạ theo đúng phương pháp và cẩn thận”.
“Đúng phương pháp và cẩn thận”, theo các nhà đầu tư, đó là phải dựa vào dữ liệu cụ thể của từng tháng. Bởi hiện nay, sức khỏe kinh tế Mỹ vẫn tốt, thị trường lao động ổn định, Fed sẽ không quá vội để phải hạ lãi suất ngay.
Bài trên Nhật báo phố Wall bổ sung, nhìn vào lịch sử, có thể thấy giai đoạn 1990 – 1991 là giống thời điểm này hơn cả, khi lãi suất cao nhằm đối phó với lạm phát tăng. Nhưng khác là lãi suất sau đó được hạ rất nhanh sau khi các ngân hàng trung ương đã phải giữ lãi suất cao trong 1 thập kỷ. Và cũng vì các nền kinh tế phương Tây khi đó đang trượt theo hướng suy thoái, thất nghiệp tăng vọt.
Nhìn về tương lai gần, trang CNBC cho rằng, ít nhất trong tuần này, có 2 dữ liệu kinh tế ít nhiều có thể ảnh hưởng tới hướng đi tương lai của Fed, đó là GDP quý IV/2023 công bố lần đầu vào thứ Năm và chỉ số chi phí tiêu dùng cá nhân (PCE) đưa ra vào thứ Sáu. Nói như Chủ tịch Fed ở Chicago thì “đó không phải những cuộc họp hay quyết định bí mật nào, về cơ bản, dữ liệu sẽ quyết định chính sách”.
Theo các dự báo hiện nay của Dow Jones, GDP quý IV của kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng ở mức 1,7%, còn chỉ số PCE cả năm có thể ở mức 3%. Đây là những dữ liệu càng củng cố rằng Fed sẽ không vội cho các bước đi lãi suất tiếp theo và sẽ dựa chủ yếu vào dữ liệu kinh tế trước mỗi cuộc họp.
Giới chuyên gia khuyến cáo thận trọng với rủi ro lạm phát
Các chuyên gia cũng ủng hộ việc giới hoạch định chính sách cần hành động thận trọng. Nhiều ý kiến cảnh báo, hiện vẫn còn quá sớm để kỳ vọng vào khả năng các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất nhanh chóng bởi cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa chấm dứt.
Theo giới chức Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), lạm phát trong năm nay sẽ giảm chậm hơn so với năm ngoái do thị trường lao động thắt chặt và lạm phát dịch vụ cao ở nhiều nền kinh tế. Do vậy, các ngân hàng trung ương không nên hành động vội vàng theo kỳ vọng của thị trường bởi việc cắt giảm lãi suất quá nhanh sẽ ảnh hưởng tới các nỗ lực chống lạm phát.
Bà Gita Gopinath – Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế – cho rằng: “Thị trường đang kỳ vọng các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất mạnh tay nhưng tôi nghĩ còn hơi sớm để kết luận như vậy. Chúng tôi kỳ vọng lãi suất sẽ giảm trong năm nay nhưng dựa trên dữ liệu đã thu thập được, việc cắt giảm lãi suất có thể diễn ra trong nửa cuối năm”.
Trên thực tế, các số liệu gần đây cho thấy lạm phát tại Mỹ, Eurozone, Vương quốc Anh hay Canada đều đã nóng trở lại trong tháng 12. Lạm phát có thể gia tăng hơn nữa nếu tình trạng gián đoạn vận tải qua Biển Đỏ tiếp tục kéo dài, làm tăng chi phí vận tải hàng hóa. Bên cạnh đó, rủi ro cũng có thể đến từ chính việc hạ lãi suất quá sớm.
Bà Mary Callahan Erdoes – Giám đốc điều hành bộ phận quản lý tài sản, Ngân hàng JPMorgan Chase – cho biết: “Ngay khi các ngân hàng trung ương bắt đầu hạ lãi suất, mọi người sẽ cảm thấy lạc quan hơn và bắt đầu chi tiêu nhiều hơn. Điều này cũng có thể khiến lạm phát nóng trở lại”.
Theo các chuyên gia của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), một số ngân hàng trung ương đang phải đối mặt với áp lực nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, với việc lạm phát vẫn cao hơn mức mục tiêu ở nhiều quốc gia, các nhà hoạch định chính sách cần tiếp tục coi việc kiềm chế đà tăng giá cả là ưu tiên hàng đầu.