Cuộc xung đột căng thẳng Hamas – Israel sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu
Cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas lan rộng ở Trung Đông có thể gây ra những nguy cơ mới đối với nền kinh tế toàn cầu, vốn đang chật vật phục hồi sau các cú sốc do đại dịch COVID-19 và xung đột ở Ukraine.
Các quan chức và bộ trưởng tài chính các nước tham dự Hội nghị mùa Thu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới tại (WB) Maroc đều bày tỏ lo ngại về nguy cơ căng thẳng lan rộng trong khu vực sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế thế giới vốn đang phục hồi yếu ớt.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo về hậu quả to lớn nếu cuộc xung đột Hamas – Israel lan rộng ra toàn khu vực. Ông đề cập đến những nguy cơ, từ giá năng lượng tăng cao thúc đẩy lạm phát cho đến sự sụt giảm niềm tin của giới đầu tư.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cũng cảnh báo nguy cơ hiện hữu đối với nền kinh tế toàn cầu, đồng thời bày tỏ quan ngại rằng triển vọng phục hồi trong trung hạn của nền kinh tế thế giới hiện không mấy khả quan.
Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc IMF Gita Gopinath cho rằng thế giới đang phải đối mặt với “hàng loạt cú sốc to lớn”, bao gồm cả cuộc xung đột ở Trung Đông hiện nay và tác động tiềm tàng của diễn biến này đối với giá năng lượng.
Theo IMF, giá dầu thô trên thị trường toàn cầu tăng 10% sẽ đẩy tỷ lệ lạm phát toàn cầu tăng thêm khoảng 0,4% điểm phần trăm.
“Giá dầu có thể tăng lên mức 150 USD/thùng và tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm mạnh xuống 1,7%”, Bloomberg Economics dự báo.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) mới đây, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3% cho năm 2023, tương đương với dự báo hồi tháng 7. Tuy nhiên, IMF nâng tỷ lệ lạm phát trong vài năm tới. IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 xuống 2,9%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với báo cáo công bố hồi tháng 7.
Theo VTV