Những số liệu “nóng” gần đây của kinh tế Mỹ đang khiến một nhà đầu tư bắt đầu tính đến khả năng Fed thậm chí không có đợt giảm lãi suất nào trong năm nay.
Vài tháng trước, giới đầu tư gần như tin chắc rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất ngay trong quý 1 năm nay. Giờ đây, một số người bắt đầu tính đến khả năng Fed thậm chí không có đợt giảm lãi suất nào trong cả năm.
Lạm phát giá tiêu dùng và giá nhà sản xuất còn dai dẳng, thể hiện qua loạt dữ liệu kinh tế công bố gần đây, làm dấy lên mối lo ngại rằng Fed sẽ giữ lãi suất cao hơn lâu hơn so với kỳ vọng trước đây.
Hồi đầu năm, Phố Wall đặt cược rằng Fed sẽ có tới 6 đợt giảm lãi suất trong năm nay, nhưng hiện tại, thị trường cho rằng Fed sẽ chỉ có 4 đợt hạ lãi suất trong cả năm – gần hơn với dự báo của Fed là có 3 đợt giảm.
Tuy nhiên, các báo cáo lạm phát nóng gần đây đã dẫn tới một câu hỏi mà cho tới gần đây không ai nghĩ tới: Liệu Fed có thể giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25-5,5%, cao nhất 23 năm, trong thời gian còn lại của năm, thậm chí có thể tăng lãi suất thêm, để đưa lạm phát giảm gần hơn về mục tiêu 2%?
Số liệu kinh tế của một tháng không thể thiết lập một xu hướng, và giới chức Fed đã khẳng định họ cần thêm vài tháng dữ liệu nữa trước khi đưa ra các quyết định lãi suất mang tính chất bước ngoặt. Một số nhà đầu tư tin rằng còn quá sớm để đưa ra quan điểm cho rằng Fed sẽ không giảm lãi suất trong năm nay, nhất là khi báo cáo kinh tế cập nhật mà Fed đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái cho rằng sẽ có 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024, chưa kể xu hướng của lạm phát trên cơ sở năm vẫn đang là giảm.
“Tôi không cho là Fed sẽ hoảng hốt nếu lạm phát có tăng lên một chút. Tôi nghĩ họ vẫn sẽ giữ nguyên lãi suất”, Giám đốc đầu tư Tom Graff của công ty Facet nhận định. Ông Graff dự báo Fed sẽ có 2-4 đợt giảm lãi suất trong năm nay.
Trong cuộc họp tháng 1, Fed đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất lần thứ tư liên tiếp. Trong họp báo sau cuộc họp đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói lạm phát đã giảm đáng kể, nhưng Fed vẫn muốn có thêm những dấu hiệu nữa của sự giảm lạm phát trước khi bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Biên bản cuộc họp này của Fed cho thấy các nhà hoạch định chính sách tiền tệ lo ngại rằng lạm phát có thể dai dẳng. Họ cũng có vẻ giữ quan điểm rằng ở thời điểm này, giữ nguyên lãi suất là lựa chọn tốt nhất. Ngoài ra, biên bản cũng không có dấu hiệu nào cho thấy Fed sẽ không giảm lãi suất trong năm nay.
Nhưng điều đó không có nghĩa là khả năng Fed giữ nguyên lãi suất trong thời gian còn lại của năm nay bị loại trừ. Các nhà kinh tế học của ngân hàng Deutsche Bank đã vạch ra 3 kịch bản kinh tế có thể dẫn tới việc Fed duy trì lãi suất ở mức hiện tại cho tới hết năm.
Trong kịch bản thứ nhất, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi – thước đo không tính đến giá thực phẩm và năng lượng, và được Fed ưa chuộng khi cân nhắc các quyết định lãi suất – kết thúc năm 2024 với mức tăng cả năm 2,7% hoặc cao hơn. Tháng 12/2023, PCE lõi tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm tốc từ mức tăng 3,2% trong tháng 11.
Ở kịch bản thứ hai, lãi suất trung tính – tức mức lãi suất không có hiệu ứng gây tăng/giảm tăng trưởng kinh tế và lạm phát – được điều chỉnh tăng lên gần mức 3,5%. Theo ước tính của Fed hiện nay dựa trên lãi suất Fed, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lạm phát, lãi suất trung tính là 2,5%.
Trong kịch bản thứ ba, tăng trưởng kinh tế được đẩy mạnh và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở ngưỡng 4% hoặc thấp hơn. Hồi tháng 1, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ là 3,7%.
“Có những lý do thuyết phục để Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ từ giữa năm nay. Tuy nhiên, nếu tiến trình này không trở thành hiện thực và nền kinh tế tiếp tục giữ nhịp tăng trưởng mạnh, thì Fed có thể sẽ không giảm lãi suất trong năm nay”, một báo cáo hôm 14/2 của ngân hàng Deutsche Bank nhận định.