Diễn biến tăng mạnh của vàng nhẫn trong các phiên giao dịch gần đây chưa thể cản bước những người tới mua vàng, thậm chí là xếp hàng chờ đợi để được mua.
Dù là giờ hành chính và là ngày trong tuần, nhưng tại cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu nằm trên phố Cầu Giấy, Hà Nội không khí mua sắm các mặt hàng vàng vẫn vô cùng tấp nập. Người dân xếp hàng từ sáng tới tối, hàng người nối dài từ trong quầy giao dịch ra tận cửa tiệm vàng.
Đa số người dân đều tới để mua vàng nhẫn tròn trơn. Đáng chú ý, nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong bối cảnh giá vàng nhẫn của doanh nghiệp này cũng đang “tăng phi mã” trong các phiên giao dịch gần đây.
Trong các phiên giao dịch trước, giá vàng nhẫn tròn trơn của Bảo Tín Minh Châu liên tục lập đỉnh lịch sử, mức giá cao dẫn dắt toàn thị trường. Có thời điểm, mặt hàng vàng này chạm ngưỡng 71,38 triệu đồng/lượng bán ra trước khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/3 ở mức 70,8 triệu đồng/lượng.
Tính từ đầu tháng 3 đến nay, giá vàng nhẫn tại đây đã tăng tới gần 5 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng ròng gần 8% chỉ trong vòng 2 tuần.
Còn tính trong vòng một năm, giá vàng nhẫn của Bảo Tín Minh Châu đã tăng gần 15 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng hơn 26%, cũng là mức đầu tư sinh lời hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác.
“Cơn sốt” vàng nhẫn
Ngồi trong dòng người xếp hàng chờ tới lượt giao dịch, chị Ngọc Thảo (Khương Đình, Hà Nội) cho biết đang chờ để vào mua gần 1 lượng vàng nhẫn. “Số lượng vàng này tôi mua để tích trữ, không phải đầu cơ hay muốn đu đỉnh gì cả”, chị Thảo giải thích.
Người phụ nữ này chia sẻ chọn mua vàng nhẫn vì thấy mặt hàng này có giá sát với giá vàng thế giới. Trước đó, chị dự định mua từ ngày 29/2, tức là ngày vừa được lĩnh lương. Nhưng hôm đó giá cao nên chị chưa xuống tiền, đợi giá giảm hơn.
“Kết quả hôm nay, tôi mua đắt hơn tới gần cả triệu đồng. Tới giờ tôi vẫn đang tiếc ngẩn tiếc ngơ và rút ra là mua vàng thì cứ mua thôi, chứ đợi xuống không biết bao giờ. Mua xong tôi thấy rất thoải mái, không phải vào ngó giá lên giá xuống chi cho mệt”, chị Thảo nói thêm.
Được biết, mỗi tháng chị Thảo đều dành dụm một khoản trong tiền lương của hai vợ chồng để mua vàng. Do không mua vàng để đầu cơ, nên mỗi tháng chị đều cố định mua 2-3 chỉ dù giá bao nhiêu. Theo chị, lúc nào cũng sợ giá cao, không dám mua thì chẳng bao giờ tích luỹ được vàng.
“Nếu cuộc sống của tôi êm đềm, không mua được bất động sản thì số vàng này tôi dành dụm để dưỡng già, tức là vài chục năm nữa mới cần dùng đến. Tôi nghĩ đến lúc đó chắc chắn lãi đậm nên cứ việc mua. Hơn nữa, tôi thấy để tiền mặt mất giá quá nhanh nên tôi dồn hết vào vàng. Qua mấy năm tích luỹ, thành ra giờ lại nghiện mua vàng”, chị Thảo nói thêm.
Cũng giống chị Thảo, anh Hoài Anh (Đống Đa, Hà Nội) cũng phải xếp hàng để chờ tới lượt mua vàng nhẫn. Người này cho biết vẫn muốn tích luỹ vàng do thấy đồng tiền mất giá, lãi suất ngân hàng chạm đáy trong khi giá vàng thế giới chưa có dấu hiệu đi xuống.
“Nên có tiền là tôi cầm đi mua vàng cho chắc, mình mua cất chứ có bán luôn đâu mà sợ cao hay thấp”, anh Hoài Anh nói.
Không chỉ tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu, chia sẻ với Tri Thức – ZNews, đại diện CTCP Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cơ sở TP.HCM cho biết cũng ghi nhận tình trạng người dân tới xếp hàng chủ yếu để mua vàng nhẫn, số lượng người tới bán ít hơn.
Bán vàng trang sức để mua vàng miếng
Trong khi đó, tại các cửa hàng vàng nhỏ lẻ còn có một số trường hợp người dân tranh thủ dịp này mang vàng trang sức đi bán để lấy tiền mua vàng miếng.
Anh Hoàng Nam, một Việt kiều từ Hàn Quốc mới về nước cho biết đang có nhu cầu bán hơn 5 lượng vàng trang sức bao gồm vòng đeo tay và vòng cổ. Đây là những món đồ được anh mua trực tiếp tại các cửa hàng trang sức ở Hàn Quốc, chủ yếu để phục vụ nhu cầu xây dựng hình ảnh cá nhân.
Tuy nhiên, khi trở về Việt Nam, nhận thấy nhu cầu này không còn cần thiết, anh Nam muốn tranh thủ đợt giá vàng tăng cao để mang ra cửa hàng bán thu hồi vốn rồi đầu tư sang vàng miếng.
“Một cửa hàng vàng lớn nói với tôi họ sẽ nung số vàng trang sức này rồi đúc thành miếng theo quy chuẩn. Tuy nhiên, tôi thấy cách này chưa ổn lắm, vì chi phí chế tác trang sức khi mua tại Hàn Quốc lên tới 45 triệu đồng. Nếu làm theo cách này, tôi sẽ lỗ nặng”, anh Nam phân trần.
Sau khi tính toán, anh Nam lựa chọn bán số vàng trang sức này tại một tiệm vàng nhỏ lẻ với giá thu mua thấp hơn nhưng họ đồng ý giữ trang sức nguyên dạng. Sản phẩm sau đó sẽ được bán trực tiếp cho khách mua khác. Nhờ vậy, anh Nam tránh được việc thâm hụt lớn, thay vào đó anh chỉ mất khoản tiền nhỏ cho cửa hàng để đánh bóng sản phẩm.
“Toàn bộ số tiền bán được tôi dùng để mua vàng miếng SJC. Bởi theo tôi thấy, thị trường vàng đang quá tiềm năng, sinh lời lớn hơn nhiều so với bất động sản và chứng khoán. Chưa kể, tôi mới về Việt Nam, chưa có nhiều kiến thức trong hai thị trường này, nên việc dùng tiền đầu tư vàng là cách đơn giản và hiệu quả nhất ở thời điểm hiện tại”, anh Nam nói.