Một vấn đề phổ biến mà các nhà giao dịch crypto phải đối mặt là thanh khoản bị phân mảnh và thông tin thị trường bất cân xứng, dẫn đến giao dịch không hiệu quả. Các công cụ tổng hợp được dùng nhằm mục đích giải quyết vấn đề này bằng cách cung cấp quyền truy cập vào nhiều nguồn thanh khoản ở một nơi duy nhất.
Thông qua các thuật toán, các công cụ tổng hợp định tuyến cho các lệnh trên các sàn giao dịch khác nhau để tìm ra mức giá tốt nhất trong khi vẫn cân nhắc đến trượt giá, chi phí và gas. Đây không chỉ là công cụ tổng hợp thanh khoản cho giao dịch mà còn cho cả các dịch vụ tài chính khác, chẳng hạn như các công cụ phái sinh.
Bên cạnh giao dịch, các công cụ tổng hợp thanh khoản cũng có thể hữu ích cho các dịch vụ tài chính khác. Ví dụ: khi bạn muốn tham gia thị trường hợp đồng tương lai hoặc cho vay tài sản tiền mã hóa của mình, một công cụ tổng hợp có thể tìm thấy vị thế (position) hoặc tỷ giá tốt nhất trên các nền tảng khác nhau.
Hầu như tất cả các công cụ tổng hợp hiện đều tập trung vào các thị trường phi tập trung. Nhưng hãy tưởng tượng có một nền tảng duy nhất nơi người dùng có thể truy cập các dịch vụ tài chính từ cả các thị trường DeFi và CeFi. Đó là tầm nhìn mà OpenOcean đang hướng tới.
OpenOcean là gì?
OpenOcean nhắm đến mục tiêu đóng vai trò như một công cụ tổng hợp thanh khoản trên cả các thị trường tập trung và phi tập trung, cũng như trên các blockchain.
Hiện tại, OpenOcean đang tổng hợp các sàn giao dịch tài sản nhưng cũng có kế hoạch mở rộng sang các dịch vụ khác, chẳng hạn như các dịch vụ phái sinh và quản lý tài sản. Mục tiêu cuối cùng của nó là trở thành một cửa hàng one-stop (cung cấp mọi dịch vụ) cho việc truy cập vào toàn bộ tính thanh khoản của crypto.
OpenOcean được ra mắt vào tháng 9 năm 2020. Giao thức hiện được triển khai trên 13 mạng công cộng (public network) bao gồm Ethereum, Binance Smart Chain (BSC), xDai (còn được gọi là Gnosis Chain), Avalanche, Polygon, Solana và các giải pháp Layer 2 trên Ethereum (Arbitrum và Loopring ). OpenOcean được kết nối với một sàn giao dịch tập trung là Binance.
Vào tháng 3 năm 2021, OpenOcean đã kết thúc đợt huy động vốn chiến lược trị giá $2 triệu do Binance dẫn đầu, và có sự tham gia của Multicoin Capital, LD Capital, CMS, Kenetic và Altonomy. Quá trình gây quỹ kết thúc với một đợt phát hành riêng lẻ và gây quỹ tư vấn bao gồm AU21, FBG, DAO Maker và TRON Foundation. Quỹ Blockchain của Huobi Ventures cũng đã đầu tư chiến lược vào OpenOcean vào tháng 7 năm 2021.
OpenOcean hoạt động như thế nào?
Tối ưu hóa để có tỷ lệ hoán đổi tốt nhất là bản chất của các công cụ tổng hợp. Trung tâm của OpenOcean là thuật toán định tuyến tối ưu hóa cho nhiều tham số, bao gồm việc đảm bảo giá tốt hơn, phí gas ít hơn và trượt giá thấp hơn. Giao thức tổng hợp của OpenOcean nhận báo giá từ tất cả các sàn giao dịch và sau đó tìm ra tuyến đường giao dịch có mức giá tốt nhất và mức trượt giá thấp.
Để tìm ra lộ trình giao dịch ban đầu, OpenOcean sử dụng thuật toán D-star – đây là phiên bản được tối ưu hóa của thuật toán Dijkstra. Sau đó, nó tối ưu hóa lộ trình bằng cách sử dụng machine learning (học máy). Vào tháng 10 năm 2021, OpenOcean phiên bản v2 – hay còn gọi là OpenOcean Atlantic – được phát hành. Phiên bản mới cung cấp một thuật toán cải tiến và các bản nâng cấp giao thức khác.
Giao thức tổng hợp được sử dụng miễn phí và các nhà giao dịch chỉ phải trả phí gas blockchain thông thường và phí chuyển đổi cho các giao dịch. OpenOcean có kế hoạch tính phí (trừ khi người dùng sở hữu token OOE) cho các dịch vụ khác khi các tính năng này khả dụng. Ví dụ như các chiến lược đầu tư chạy qua giao diện người dùng tùy chỉnh của OpenOcean, tư cách thành viên cao cấp và các sản phẩm khác trong tương lai.
Giao diện người dùng của OpenOcean
OpenOcean có hai giao diện: “Go Swap” và “Go Advanced”.
Trang “Go Swap” là phiên bản cơ bản để hoán đổi tài sản chỉ trên các sàn giao dịch phi tập trung.
Để bắt đầu giao dịch, trước tiên người dùng cần chọn nút “Connect Wallet” (Kết nối Ví) trên trang. Nền tảng cung cấp một số tích hợp ví cho các chuỗi khác nhau, bao gồm cả MetaMask. Khi đã kết nối, nhà giao dịch có thể chọn cặp giao dịch và khối lượng giao dịch. Các mức giá trên các sàn giao dịch khác nhau sẽ được hiển thị và người dùng có thể thực hiện giao dịch để có được mức giá tối ưu.
Nhìn chung, giao diện người dùng rõ ràng, đơn giản và bao gồm các tính năng tương tự so với các trình công cụ tổng hợp khác. Tuy người dùng có thể xem họ có thể tiết kiệm được bao nhiêu cho một giao dịch so với khi trực tiếp sử dụng các sàn giao dịch, nhưng sẽ hữu ích nếu họ thấy được sự so sánh với các công cụ tổng hợp khác.
Giao diện bao gồm một bảng tính hữu ích cho việc định tuyến cho mỗi giao dịch hoán đổi tài sản. Đối với các lệnh lớn hơn, việc định tuyến có thể trở nên khá phức tạp. Ví dụ dưới đây minh họa lợi thế của việc sử dụng công cụ tổng hợp so với thực hiện thủ công tất cả các giao dịch riêng lẻ.
Người dùng cần sử dụng phiên bản “go Advanced” của OpenOcean để truy cập các sàn giao dịch tập trung như Binance.
Trong phiên bản này, các DEX và CEX được hiển thị song song nhau. Chênh lệch giữa giá trên các CEX và DEX cũng được hiển thị. Để truy cập các sàn giao dịch tập trung, người dùng phải đăng ký với OpenOcean. Bên cạnh các lệnh thị trường, các sàn giao dịch tập trung cũng cung cấp các lệnh giới hạn. Tính năng này chưa khả dụng cho các giao dịch trên các sàn giao dịch phi tập trung.
Nhìn vào tương lai
Như đã đề cập trước đó, OpenOcean hiện chỉ cung cấp một dịch vụ trao đổi tài sản, nhưng lộ trình nhấn mạnh rằng sẽ có thêm nhiều tính năng hơn trong quá trình phát triển.
OpenOcean sẽ tiếp tục nâng cấp thuật toán và mở rộng ra nhiều mạng lưới hơn. Các lệnh giới hạn cũng được lên kế hoạch sớm để ra mắt và OpenOcean sẽ bắt đầu cung cấp các sản phẩm phái sinh tổng hợp. Thêm vào đó, một sản phẩm SaaS sẽ được ra mắt cho phép giao dịch chênh lệch giá tự động giữa các sàn giao dịch tập trung và phi tập trung.
Nhìn vào năm 2022, OpenOcean có kế hoạch phát hành các sản phẩm giao dịch tổng hợp hợp đồng tương lai và các sản phẩm lợi nhuận biên. Tính năng tổng hợp cross-chain sẽ trở nên khả dụng, tính năng này cho phép các hoán đổi chuỗi chéo. Theo thời gian, OpenOcean cũng sẽ tích hợp các sản phẩm tài chính khác như cho vay, bảo hiểm và các dịch vụ đầu tư khác.
Vào năm 2023, OpenOcean nhắm đến việc tung ra một nền tảng quản lý tài sản thông minh cho các giải pháp tài chính, hay nói cách khác OpenOcean sẽ là một cửa hàng one-stop cho các giải pháp tài chính tập trung và phi tập trung.
Token OOE
Token OOE (OpenOcean Ecosystem) sẽ trở thành một phần thiết yếu của OpenOcean. Token phục vụ hai mục đích: tiện ích và quản trị.
Tiện ích của token được thể hiện thông qua một số ưu đãi mà chủ sở hữu token nhận được khi tham gia vào hệ sinh thái OpenOcean. Tiện ích này bao gồm một phương thức thanh toán phí gas và phí giao dịch, nhận các phần thưởng từ mining liquidity và giao dịch, đồng thời có quyền trở thành thành viên VIP và truy cập các dịch vụ khác.
Ví dụ: nếu người dùng muốn hoán đổi tài sản qua các chuỗi riêng biệt, token OOE sẽ hoạt động như một phương thức để thanh toán phí gas.
Chức năng quản trị có nghĩa là chủ sở hữu token OOE có thể đưa ra các đề xuất và tham gia biểu quyết. Quyền biểu quyết tỷ lệ thuận với lượng token mà người dùng nắm giữ. OpenOcean có quản trị ngoài chuỗi, nơi người dùng có thể gửi và thảo luận các đề xuất trong một kênh được chỉ định trên Discord của OpenOcean. Cho đến nay vẫn chưa có cuộc biểu quyết nào được tổ chức và chi tiết về cơ cấu quản trị vẫn đang hoàn thiện.
Token OOE là token được mint trên Ethereum với tổng cung tối đa là một tỷ token. 78.989.286 token đã được phân phối vào ngày 12 tháng 7 năm 2021 và khoảng 150 triệu token hiện đang được lưu hành. Phần còn lại sẽ được phân phối trong 5 năm tới với sự phân phối như sau:
- 5,6% trong 2 năm cho các strategic investor (nhà đầu tư chiến lược)
- 7,5% trong 2,5–3 năm cho đợt phát hành riêng lẻ và cho vòng gọi vốn chiến lược thứ 2.
- 29% trong 3 năm cho OpenOcean Lab nhằm hỗ trợ phát triển giao thức, đào tạo các đối tác hệ sinh thái, các nhà phát triển cộng đồng và các chương trình tiền thưởng
- 33% trong 5 năm cho mining liquidity
- 7% trong 3 năm cho nền tảng hệ sinh thái để quản lý các ưu đãi cộng đồng, tiếp thị và các chiến dịch
- 15.9% trong 3 năm cho đội ngũ và các nhà cố vấn
- 2% cho người dùng đầu tiên, được phân phối khi phát hành token
Token OOE được liệt kê trên một số sàn giao dịch bao gồm KuCoin và Gate.io. OOE có vốn hóa thị trường lưu hành khoảng $40 triệu, so với mức vốn hóa thị trường khoảng $780 triệu của 1inch – công cụ tổng hợp DEX hiện tại đang dẫn đầu thị trường.
Sự thu hút của OpenOcean
Kể từ khi ra mắt, OpenOcean đã có khối lượng giao dịch khoảng $3 tỷ, gần 400 nghìn địa chỉ và hơn 1,4 triệu giao dịch. Phần lớn khối lượng giao dịch của OpenOcean đến từ việc hoán đổi tài sản trên BSC (khoảng $2,8 tỷ), phần lớn số lượng địa chỉ và giao dịch cũng đến từ hoạt động này.
Trong những tháng gần đây, Polygon và Avalanche cũng bắt đầu thu hút khối lượng và số lượng giao dịch lớn hơn. Trong trường hợp của Avalanche, nền tảng đã đạt $70 triệu khối lượng giao dịch và hơn 8500 giao dịch hoán đổi, so với $13 triệu khối lượng và 2900 giao dịch trong tháng 10.
OpenOcean cũng đã bổ sung hỗ trợ cho Fantom vào tháng 10 và đạt khối lượng $50 triệu trên mạng lưới này ngay trong tháng đó và đã tiếp tục tăng trưởng ổn định với khối lượng giao dịch trị giá $107 triệu trong tháng 11. Về phía các sàn giao dịch tập trung, OpenOcean có xấp xỉ 11,5 nghìn người dùng đăng ký và có tổng khối lượng giao dịch là $2,5 triệu.
Phân tích các đối thủ cạnh tranh với OpenOcean
Đã có một số công cụ tổng hợp; trong đó 1inch, Matcha và ParaSwap được biết đến nhiều nhất. Các công cụ tổng hợp này đang hoạt động trên nhiều chuỗi, nhưng không nhiều bằng OpenOcean.
Điểm khác biệt chính của OpenOcean là nó cung cấp quyền truy cập vào cả sàn giao dịch tập trung và nhiều sàn giao dịch phi tập trung. Hơn nữa, OpenOcean có vẻ hào phóng về trượt giá. Người dùng OpenOcean nhận được 100% trong trường hợp trượt giá theo chiều dương (positive) và giao thức có kế hoạch trợ cấp các chi phí liên quan đến giao dịch bằng token OOE.
Trong số các công cụ tổng hợp, 1inch rõ ràng là đang công cụ dẫn đầu thị trường về khối lượng, đạt gần $15 tỷ chỉ riêng trên Ethereum trong tháng 10. Tuy 1inch chiếm lĩnh thị trường với khoảng cách khá xa, các đối thủ như Matcha và Paraswap đang dần bắt kịp. Vào tháng 10, hai công cụ tổng hợp này có khối lượng giao dịch tương ứng khoảng $3,5 tỷ và $2 tỷ.
Các số liệu thống kê khác như số lượng người dùng và giao dịch cũng nhấn mạnh rằng 1inch đang dẫn đầu thị trường với khoảng cách lớn.
Trong khi đó, OpenOcean rất ít thu hút trên Ethereum. So với các công cụ trên, OpenOcean chỉ thu được hơn $1 triệu trong các giao dịch trên Ethereum vào tháng 10. Tháng 3 và tháng 5 là những tháng hoạt động tích cực nhất đối với OpenOcean, với khối lượng giao dịch hàng tháng trên $10 triệu. OpenOcean vẫn còn cần cải thiện thêm khi xem xét số lượng ví và giao dịch so với 1inch, Matcha và ParaSwap.
Công bằng mà nói, khối lượng giao dịch của OpenOcean chủ yếu đến từ các chuỗi khác, chẳng hạn như Binance Smart Chain và từ Polygon. Tuy nhiên, 1inch cũng là công cụ tổng hợp DEX thống trị trên các blockchain này. 1inch đã đạt được tổng khối lượng giao dịch hơn $12 tỷ và có hơn 115 nghìn người dùng hàng tháng trên Binance Smart Chain.
Trong khi đó, con số này của OpenOcean rơi vào khoảng $2,8 tỷ. Trong trường hợp Polygon, 1inch có khối lượng giao dịch hơn $7,4 tỷ trong khi khối lượng của OpenOcean là $50 triệu.
Một lộ trình để cải thiện mức độ sử dụng là cho người dùng thấy thuật toán định tuyến của OpenOcean hoạt động tốt như thế nào. Ví dụ: mỗi khi OpenOcean báo giá cho một giao dịch, nó có thể hiển thị so sánh với các DEX và các công cụ tổng hợp DEX khác. Cho người dùng thấy rằng OpenOcean thực sự cung cấp mức giá tốt nhất sẽ giúp gia tăng sự thu hút hơn.
Cuộc đua xuống đáy (Race to the Bottom)
Cạnh tranh giữa các sàn giao dịch và các công cụ tổng hợp là rất cao. Người dùng không nhất thiết phải trung thành và họ chủ yếu quan tâm đến việc nhận được mức giá tốt nhất. Do đó, các công cụ tổng hợp cạnh tranh thông qua việc phát triển thuật toán định tuyến ưu việt.
Là một phần của việc phát hành phiên bản V2 vào tháng 10 năm 2021, OpenOcean đã tiến hành các bài kiểm tra hiệu suất. Trong số 4500 giao dịch hoán đổi được thực hiện trên Binance Smart Chain, OpenOcean đưa ra mức giá tốt hơn 1inch và ParaSwap trong 60% trường hợp. Đối với các giao dịch trên Ethereum, OpenOcean mang lại lợi nhuận tốt hơn ”trong nhiều trường hợp hơn khi so với các công cụ tổng hợp DEX khác”.
Tuy nhiên, không có gì là bất biến vì các công cụ tổng hợp sẽ tiếp tục nâng cấp các thuật toán của mình để đánh bại đối thủ. Cuối cùng nó trở thành một cuộc đua xuống đáy.
Một câu hỏi khác là token OOE có thể nắm bắt giá trị mà OpenOcean tạo ra đến mức độ nào. Các công cụ tổng hợp đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối thanh khoản phân mảnh, nhưng với cuộc đua xuống đáy, việc các công cụ tổng hợp sẽ kiếm tiền như thế nào về lâu dài là điều không rõ ràng. Do đó, ý định cung cấp các dịch vụ tài chính bổ sung (cao cấp) trong tương lai của OpenOcean là rất hợp lý.
Mặc dù OpenOcean vẫn đang thua các nhà dẫn đầu thị trường với khoản cách lớn nhưng nó đang mang một cơ hội lớn khi cấp cho người dùng quyền truy cập vào cả thị trường DeFi và CeFi trong 1 lần. OpenOcean vẫn còn là một dự án trẻ trong môi trường có tính cạnh tranh cao và nó có một lộ trình đầy tham vọng. Thời gian sẽ trả lời liệu OpenOcean có thể thực hiện được khát vọng trở thành một trung tâm tổng hợp về thanh khoản hay không?
Bài viết được bạn Hiền Lê thuộc FXCE Crypto biên tập từ “An Ocean of Liquidity: OpenOcean and the Quest to Become the CeDeFi Aggregator” của tác giả Steven Biekens; với mục đích cung cấp thông tin và phi lợi nhuận. Chúng tôi không khuyến nghị đầu tư và không chịu trách nhiệm cho các quyết định đầu tư liên quan đến nội dung bài dịch.
—————————————————
👉 Theo dõi FXCE Ventures
Group Chat | Research Hub | FXCE Spotlight | Tổng hợp airdrop | FXCE Pool Coin