Proof of Physical Work là gì và các Insight chính
- Proof of Physical Work (PoPW) là một cơ chế phân phối token mới, cơ chế này thưởng cho những người tham gia hoàn thành công việc vật lý (physical) có thể xác minh được trong thế giới thực.
- Nhiều giao thức đang sử dụng framework của Proof of Physical Work để khuyến khích sự tham gia của bên cung trong việc xây dựng các mạng lưới phần cứng, bao gồm mạng không dây, di động, môi trường, máy tính và lưu trữ.
- Các giao thức kinh tế học mã hóa (cryptoeconomic) cực kỳ mạnh trong việc khuyến khích và điều phối hoạt động của con người, điều này làm cho các giao thức này hữu ích cho sự phát triển của cơ sở hạ tầng và mạng lưới phần cứng phi tập trung trong thế giới thực.
- Khi sử dụng framework Proof of Physical Work, các giao thức có thể thúc đẩy người tham gia xây dựng phía cung của mạng lưới hấp dẫn đến mức thu hút người dùng cuối sử dụng.
Trong bối cảnh thị trường giảm, các nhà phê bình tiền mã hóa đã quay trở lại với đầy đủ nguồn lực để tranh luận liệu ngành công nghiệp này có bất kỳ use case thực sự nào không. Bên cạnh sự đổi mới trong việc hình thành vốn và các use case tiền tệ không có chủ quyền (non-sovereign money); việc loại bỏ những người trung gian và người muốn cho thuê; cùng với sự tan rã của các công ty độc quyền thì lập luận của họ có thể có giá trị.
Tuy nhiên, trên thực tế, các giao thức tiền mã hóa đã rất thành công trong việc điều phối hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật số đến mức các dự án đã bắt đầu tận dụng tiền mã hóa cho các use case trong thế giới thực.
Các giao thức kinh tế mã hóa có thể khuyến khích sự phát triển của cơ sở hạ tầng và mạng lưới phần cứng trong thế giới thực thông qua khả năng phối hợp của công nghệ blockchain. Thay vì chỉ có một thực thể duy nhất, tập trung thì giờ hàng triệu cá nhân có chủ quyền có thể được liên kết để triển khai và vận hành cơ sở hạ tầng một cách trustless, permissionless và có lập trình.
Multicoin Capital đã gọi lĩnh vực này là Proof of Physical Work (PoPW). PoPW thưởng cho người dùng khi thực hiện công việc vật lý có thể kiểm chứng được như việc triển khai điểm phát sóng 5G. Thuật toán giao thức xác minh trạng thái của thiết bị và thưởng cho chủ sở hữu dựa trên một bộ quy tắc được xác định trước.
Nhiều giao thức Proof of Physical Work đã và đang điều phối hàng trăm nghìn người tham gia trên khắp thế giới, bao gồm các lĩnh vực như mạng không dây, di động, môi trường, máy tính và lưu trữ.
Proof of Physical Work là gì?
Có hai loại mạng lưới cơ sở hạ tầng chính: fungible (có thể thay thế) và non-fungible (không thể thay thế). Các mạng cơ sở hạ tầng fungible sử dụng các thiết bị phần cứng không xác định vị trí (location agnostic). Các giao thức tính toán và lưu trữ sẽ thuộc loại này vì các dịch vụ của chúng không phụ thuộc vào vị trí máy chủ / node được lưu trữ.
Một terabyte dung lượng lưu trữ ở Hồng Kông bằng một terabyte dung lượng lưu trữ ở Singapore. Mặt khác, vị trí của điểm phát sóng mạng không dây rất quan trọng, do đó mạng không dây và bất kỳ phần cứng phụ thuộc vào vị trí nào khác đều là non-fungible.
Nhiều cộng đồng đang được xây dựng trong lĩnh vực Proof of Physical Work; trong đó có nhiều cộng đồng vẫn đang trong giai đoạn đầu hình thành. Phần lớn các giao thức này đang được xây dựng dưới dạng ứng dụng trên các L1 hiện có. Hiện tại, lĩnh vực Proof of Physical Work có thể được chia thành các danh mục sau:
- Mạng không dây
- Di động
- Môi trường
- Máy tính và lưu trữ
Các mạng không dây
Helium và Pollen Mobile là hai giao thức nổi bật đang hoạt động trong mảng mạng không dây phi tập trung (DeWi). Trong khi Helium hiện có cả mạng IoT và 5G thì Pollen Mobile tập trung đặc biệt vào 5G.
Các giao thức này khuyến khích những người tham gia phía cung (các nhà khai thác điểm phát sóng) cung cấp phạm vi phủ sóng mạng để đổi lấy phần thưởng token. Ngoài ra, những người tham gia cũng nhận được phí cho dữ liệu được định tuyến qua các điểm phát sóng của mình.
Di động
Tính lưu động (mobility) đề cập đến ngành công nghiệp vận chuyển người và hàng hóa. Hai mạng lưới mới nổi đang xây dựng trong lĩnh vực này là Hivemapper và DIMO. Mạng Hivemapper là một bản đồ phi tập trung được xây dựng bởi những người tham gia sử dụng dashcam (camera hành trình ô tô).
Giao thức thưởng cho những người tham gia phía cung (người khai thác bản đồ) khi sử dụng dashcam trong hành trình lái xe hoặc đi bộ xung quanh và đóng góp vào bản đồ của mạng lưới.
Mạng DIMO cho phép người dùng nắm quyền sở hữu dữ liệu di động của mình để tạo các ứng dụng và dịch vụ trong lĩnh vực tài chính ô tô, bảo hiểm, bảo trì, v.v. Những người tham gia bên cung (người khai thác dữ liệu) kiếm được phần thưởng khi kết nối thiết bị phần cứng với ô tô của mình và đóng góp dữ liệu đó vào mạng.
Môi trường
WeatherXM là một mạng thời tiết phi tập trung được cung cấp bởi một mạng lưới phân phối các thiết bị phần cứng. WeatherXM cho phép những người tham gia phía cung (người điều hành trạm thời tiết) nhận được phần thưởng khi những người này triển khai một trạm thời tiết nhỏ và cung cấp các dịch vụ thời tiết chính xác.
PlanetWatch là một mạng lưới phi tập trung của các cảm biến chất lượng không khí toàn cầu. Giao thức thưởng cho những người tham gia phía cung (người vận hành cảm biến) khi họ truyền dữ liệu về chất lượng không khí theo thời gian thực vào trở lại mạng.
Máy tính và lưu trữ
Danh mục máy tính và lưu trữ bao gồm các giao thức hoàn thiện nhất trong lĩnh vực Proof of Physical Work về mức độ sử dụng mạng và doanh thu. Filecoin và Arweave là các mạng lưu trữ với các mô hình khác nhau. Filecoin sử dụng mô hình lưu trữ dựa trên hợp đồng, trong khi Arweave sử dụng mô hình lưu trữ vĩnh viễn (permanent storage model).
Cả hai giao thức đều khuyến khích những người tham gia phía cung (nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ) sử dụng các ổ cứng để lưu trữ dữ liệu và đổi lấy phần thưởng token.
Mạng Render là một nền tảng kết xuất (render) GPU phân tán. Các tokenomic được đề xuất nhằm mục đích thưởng cho những người tham gia phía cung (nhà khai thác node) bằng phần thưởng token cho việc cung cấp phần cứng GPU cho mạng lưới và hoàn thành công việc kết xuất.
Tại sao lại sử dụng Blockchain?
Trước đây, cần phải có một tập đoàn lớn để xây dựng một mạng lưới vật lý quy mô khổng lồ do chi phí đầu tư cao và hậu cần phức tạp. Điều này thường dẫn đến việc một số ít các công ty tiến hành kiểm soát cấu trúc định giá và các điều kiện cho người dùng cuối, điều này ngăn cản yếu tố của thị trường tự do.
Các giao thức kinh tế tiền mã hóa lật ngược vấn đề này khi cho phép các cá nhân được phân phối trên toàn cầu có thể cùng bootstrap mạng lưới một cách permissionless và trustless. Nhờ phân phối các chi phí liên quan đến việc xây dựng và duy trì mạng lưới cho những người tham gia phía cung, họ đã tạo ra một phương pháp bootstrap mạng lưới hiệu quả hơn.
Hãy lấy Filecoin – một nền tảng lưu trữ phi tập trung, làm ví dụ chứng minh cho lợi ích của việc sử dụng cách tiếp cận blockchain phi tập trung so với cách tiếp cận tập trung cho cơ sở hạ tầng (ví dụ: Amazon S3). Các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ trên Filecoin được thưởng bằng token vì đã cung cấp dung lượng lưu trữ cho mạng lưới, con số này đã tăng lên hơn 17 EiB trong vòng chưa đầy hai năm.
Ngoài ra, thay vì đưa ra một mức phí với tỷ lệ cố định quá cao, Filecoin cho phép những người tham gia thị trường thiết lập giá lưu trữ.
Trong một bài đăng của mình, Evan Conrad nhấn mạnh cách Filecoin sẽ được khuyến khích cắt giảm doanh thu của mạng lưới nếu đó là một thực thể tập trung. Nếu trở nên phổ biến, việc xóa bỏ cắt giảm của Filecoin sẽ càng trở nên khó khăn hơn do hiệu ứng mạng ngày càng tăng.
Ở vị thế hiện tại, tất cả giá trị của Filecoin đều được tích lũy vào giao thức, khiến giao thức này trở thành “thị trường hàng hóa rẻ nhất mà không có bên trung gian nào cắt giảm”.
Các lợi ích chính của việc sử dụng tiền mã hóa cho cơ sở hạ tầng
Theo mô tả của Tushar Jain – Đối tác quản lý tại Multicoin Capital – việc sử dụng các giao thức kinh tế học tiền mã hóa cho mạng lưới cơ sở hạ tầng có hai lợi ích chính: có thể mở rộng mạng lưới nhanh chóng trên toàn cầu và là một hệ thống thuộc sở hữu chung của những người tham gia chứ không phải là một nhóm cổ đông nhỏ.
Các giao thức kinh tế học tiền mã hóa cho phép các cá nhân trên khắp thế giới đồng thời xây dựng các mạng lưới permissionless. Những người tham gia có kiến thức cụ thể về quyền hạn của mình có thể tập trung vào việc triển khai cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu của thị trường địa phương của mình.
Đổi lấy việc xây dựng nguồn cung của một mạng lưới, những người tham gia nhận được các stake chủ sở hữu trong mạng lưới, điều này thúc đẩy họ nỗ lực cho thành công chung.
Bên cạnh việc cho phép các cá nhân đóng góp vào mạng lưới và kiếm thu nhập thụ động, các giao thức được mô tả ở trên cũng mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp với mô hình tương tự nhượng quyền thương mại (franchise). Mike Zajko – Đồng sáng lập của Lattice Capital – mô tả cơ hội kinh doanh như sau:
Việc tham gia vào các mạng này trông giống như mở một chi nhánh franchise và các chi nhánh franchise là một phần quan trọng của nền kinh tế rộng lớn hơn (trên 10%). Bạn cần một số vốn khởi nghiệp, bất động sản ngoài đời thực, một số bí quyết hoạt động; và sau đó cộng đồng và giao thức giúp bạn lo phần còn lại.
Hexagon Wireless là một ví dụ về một trong những doanh nghiệp với mô hình tương tự nhượng quyền thương mại hoạt động trong không gian DeWi. Công ty hiện đang sử dụng chuyên môn kỹ thuật và các mối quan hệ độc quyền để triển khai phần cứng cho mạng Helium và Pollen Mobile, đẩy nhanh phong trào DeWi.
Bánh đà kinh tế
Các khuyến khích token cực kỳ hữu ích khi nói đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong thế giới thực và giải quyết vấn đề phối hợp. Helium đã chứng minh lý thuyết này trong vòng hơn một năm. Helium đã phát triển mạng IoT từ 30.000 lên hơn 900.000 điểm phát sóng vật lý được phân phối ở 170 quốc gia bằng cách cung cấp phần thưởng cho những người triển khai điểm phát sóng.
Bánh đà kinh tế bắt đầu bằng việc cung cấp cho người dùng phần thưởng vì đã hoàn thành một hoạt động vật lý có thể xác minh được trong thế giới thực:
- Những người tham gia phía cung được khuyến khích bằng phần thưởng token lạm phát khi hoàn thành một hoạt động cụ thể cần thiết nào đó để phát triển mạng lưới. Những phần thưởng này đóng vai trò như một khoản trợ cấp cho những người tham gia phía cung. Phần thưởng thường hỗ trợ những người tham gia xây dựng mạng lưới trước khi mạng lưới bắt đầu tạo ra các khoản phí bền vững từ việc sử dụng theo yêu cầu.
- Khi mạng lưới phát triển, các nhà phát triển và nhà xây dựng sản phẩm sẽ bị thu hút vào mạng lưới. Ngoài ra, trợ cấp của giao thức cho những người tham gia phía cung cho phép họ cung cấp các dịch vụ rẻ hơn, giúp thu hút người dùng cuối.
- Người dùng cuối bắt đầu trả tiền để sử dụng các dịch vụ của mạng lưới, tăng doanh thu cho những người tham gia phía cung và cho giao thức. Điều này tạo ra một vòng lặp phản hồi để thu hút nhiều người tham gia và nhà đầu tư từ phía cung hơn.
- Giá trị thường được thu thập được thông qua mô hình cân bằng burn-và-mint (burn-and-mint equilibrium – BME) hoặc mô hình work work token. Trường hợp tiện ích của mạng tăng lên trong khi nguồn cung hoặc là được đốt thông qua mô hình BME, hoặc được các nhà cung cấp dịch vụ stake thông qua mô hình work token, giá token sẽ tăng.. Giá token tăng trở lại thu hút nhiều người tham gia từ phía cung hơn, tạo ra một chu kỳ phát triển.
Bánh đà kinh tế Proof of Physical Work về cơ bản giải quyết được tình thế tiến thoái lưỡng nan như con gà và quả trứng này. Bằng cách sử dụng phần thưởng, một giao thức có thể thúc đẩy những người tham gia xây dựng phía cung đến mức mà người dùng cuối cảm thấy hấp dẫn khi sử dụng. Điều này cho phép các giao thức xây dựng động lực ban đầu cần thiết để được chấp nhận và cạnh tranh với các công ty Web2.
Lời kết
Proof of Physical Work đại diện cho một cơ chế phân phối token mới. Tushar Jain tin rằng các cơ chế phân phối token mới có thể là nhân tố xúc tác cho thị trường tăng giá.
Các điểm dữ liệu bao gồm sự xuất hiện của các cơ chế phân phối token sau: PoW vào năm 2013, ICO vào năm 2017, IEO vào năm 2019, khai thác thanh khoản DeFi vào năm 2020 và NFT vào năm 2021. Mỗi cơ chế phân phối token mới đều trùng khớp với một thị trường tăng giá. Nếu luận điểm làm việc này là chính xác, cơ chế phân phối token thành công tiếp theo có thể mở ra một thị trường tăng giá.
Xem xét sự thành công của Proof of Physical Work trên nhiều lĩnh vực khác nhau và khả năng cung cấp giá trị bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu của nó, có nhiều khả năng thị trường tăng giá tiếp theo có thể được kích hoạt bởi PoPW.
Bài viết được Hiền Lê biên tập từ “Using Crypto to Build Real-World Infrastructure” của tác giả Sami Kassab; với mục đích cung cấp thông tin và phi lợi nhuận. Chúng tôi không khuyến nghị đầu tư và không chịu trách nhiệm cho các quyết định đầu tư liên quan đến nội dung bài dịch.