Bài viết được thành viên Huyền Trang thuộc FXCE Crypto biên tập từ ” SUSHIPOWAH to the people: An assessment of Sushi’s governance” của Steven Biekens với mục đích cung cấp thông tin và phi lợi nhuận. Chúng tôi không khuyến nghị đầu tư và không chịu trách nhiệm cho các quyết định đầu tư liên quan đến nội dung bài dịch.
Một trong những điều thú vị nhất về công nghệ blockchain là nó cho phép quản trị một cách phi tập trung,… ít nhất là trên lý thuyết. Nhưng liệu điều này có thực sự xảy ra trong thực tế? Quản trị phi tập trung có nhiều hình thức khác nhau và trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu sâu về mô hình quản trị của SushiSwap. Cụ thể hơn chúng ta sẽ xem xét quy trình quản trị, tỷ lệ bỏ phiếu và quyền biểu quyết để hiểu được sự tham gia của cộng đồng và khả năng định hướng dự án.
Tất Cả Đều Liên Quan Đến SUSHIPOWAH
Bất kỳ thay đổi nào đối với Sushi và việc sử dụng quỹ cộng đồng của nó đều cần có chữ ký của các địa chỉ đa chữ ký (multisig addresses). Mặc dù những điều này được kiểm soát bởi chỉ một vài cá nhân, nhưng dự án vẫn được điều hành bởi cộng đồng. Các thành viên tích cực thảo luận về các ý tưởng trên diễn đàn và có thể đăng các đề xuất cho một cuộc bỏ phiếu nhanh.
Chỉ số bình chọn của Sushi là SUSHIPOWAH. Có ba cách để có được SUSHIPOWAH: sở hữu token SUSHI (mỗi token tương ứng với 1 SUSHIPOWAH), stake SUSHI (mỗi xSUSHI tương ứng với 1 SUSHIPOWAH) hoặc cung cấp thanh khoản cho pool SUSHI-ETH của Sushi (mỗi token SUSHI tương ứng với 2 SUSHIPOWAH).
Số Người Bỏ Phiếu
Hơn 160 đề xuất đã được trình lên để bỏ phiếu nhanh kể từ khi Sushi ra mắt vào cuối tháng 8 năm 2020. Các đề xuất bao gồm việc giới thiệu các nhà phát triển mới đến việc đưa ra các khoản trợ cấp và lựa chọn thiết kế. Sushi đã có một khởi đầu đầy biến động và phần lớn các đề xuất đều có từ khoảng thời gian đó. Số lượng cá nhân (địa chỉ) đã bình chọn thấp trong bốn tháng đầu tiên của dự án. Tuy nhiên, kể từ tháng 1 số người bỏ phiếu đã tăng lên đáng kể.
Hình bên trên tương tự với số lượt bình chọn (SUSHIPOWAH). Nhiều SUSHIPOWAH hơn đã được trình lên cho các đề xuất gần đây so với năm ngoái. Một số đề xuất vẫn nhận được rất ít phiếu bầu, nhưng đó chủ yếu là phiếu bầu về các chủ đề ít quan trọng hơn. Thay vì tham gia bỏ phiếu tuyệt đối, tỷ lệ người bỏ phiếu được xem là một số liệu tốt hơn để đánh giá mức độ tham gia của cộng đồng. Ngoài một vài trường hợp ngoại lệ, tỷ lệ người bỏ phiếu thường từ 3-5% đối với khoảng 40 đề xuất gần nhất. Do đó, có nhiều người đủ điều kiện bỏ phiếu đã không sử dụng đặc quyền của họ.
Những con số này thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ tham gia biểu quyết cổ đông của các công ty đại chúng (publicly listed companies). Ở Mỹ, các nhà đầu tư tổ chức đã bỏ phiếu hơn 90% số cổ phần mà họ nắm giữ vào năm 2020. Tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư nhỏ lẻ thấp hơn chỉ ở mức dưới 30%. Sự so sánh tất nhiên là không hoàn toàn phù hợp vì các cuộc họp cổ đông vốn chỉ diễn ra mỗi năm một lần và các đề xuất chỉ mang tính chất chiến lược.
Hầu Hết Những Người Bỏ Phiếu Đều Có Cùng Quan Điểm
Những người bỏ phiếu của Sushi có xu hướng đồng ý với nhau. Đối với hơn một nửa số đề xuất, 80% hoặc nhiều hơn số người bỏ phiếu có cùng một lựa chọn ưu tiên. Một lời giải thích hợp lý cho việc này là các đề xuất thường được thảo luận trên diễn đàn của Sushi trước khi tổ chức bỏ phiếu. Điều này làm giảm khả năng xảy ra kết quả bỏ phiếu mâu thuẫn nhau.
Quyền Bỏ Phiếu
Lý tưởng nhất là quyền bỏ phiếu (SUSHIPOWAH) được phân bổ tốt giữa các thành viên trong cộng đồng. Việc phân bổ các token SUSHI và xSUSHI cho thấy một dấu hiệu phân bổ quyền bỏ phiếu không thực sự tốt. Từ ban đầu, việc phân phối token SUSHI có vẻ rất tập trung, với 10 địa chỉ hàng đầu kiểm soát đến hơn 70% nguồn cung. Tuy nhiên, đây là các hợp đồng và giao dịch của giao thức SUSHI. Do đó, token thực chất được phân phối một cách phù hợp hơn so với những gì biểu đồ thể hiện. Tương tự, phân phối token xSUSHI cỏ vẻ mang tính tập trung, nhưng đây là các khoản token nằm trong các hợp đồng khác (ví dụ: xSUSHI trong giao thức Aave).
Tiếp theo, hãy sử dụng Herfindahl-Hirschman Index (HHI) để đo lường mức độ tập trung quyền bỏ phiếu cho mỗi đề xuất. Chỉ số này dao động trong khoảng từ 0 đến 1, với số cao hơn cho thấy mức độ tập trung quyền lực cao hơn. Hãy tưởng tượng 2 đề xuất mà cả hai đều nhận được 1000 SUSHIPOWAH. Đối với đề xuất thứ nhất, 1000 phiếu bầu được chia đều cho 100 cá nhân. Đối với đề xuất thứ hai, một cá nhân có 500 phiếu bầu, trong khi 500 phiếu bầu khác được phân bổ cho 99 người bỏ phiếu. Trường hợp đầu tiên có HHI thấp (tốt), trong khi trường hợp sau có HHI cao hơn nhiều (xấu). HHI trong các đề xuất của Sushi dao động từ rất thấp đến rất cao được thể hiện trong biểu đồ. Điều đáng khích lệ là hơn một nửa số đề xuất có mức độ tập trung quyền bỏ phiếu thấp hoặc trung bình. Những đề xuất có HHI cao (> 0.3) thường là những đề xuất có tỷ lệ người bỏ phiếu thấp hơn.
Kết Luận
Mặc dù không dễ để định lượng, nhưng việc quản trị của Sushi có vẻ tương đối phi tập trung. Tuy nhiên, tỷ lệ người bỏ phiếu vẫn còn khá thấp, cho thấy mức độ tham gia quản trị của cộng đồng còn hạn chế. Một ví dụ gần đây cũng cho thấy khả năng điều hành cuộc thảo luận của cộng đồng khi cần – điều mà trước đây khó thực hiện hơn nhiều trong một mô hình tổ chức truyền thống.
Mô hình quản trị của Sushi chỉ là một ví dụ trong số nhiều mô hình khác. Phân quyền quản trị không dễ như những gì chúng ta vẫn nghĩ (tham khảo kế hoạch chi tiết của LongHash Ventures để có cái nhìn tổng quan hơn về các nguyên nhân). Một cách thú vị để cải thiện khả năng quản trị phi tập trung là ủy quyền token, trong đó chủ sở hữu token chuyển quyền quản trị on-chain của họ cho người khác (xem chương trình ủy quyền token của a16z). Hoặc có thể việc bỏ phiếu thông qua token không phải là cách phù hợp, tham khảo lập luận của Vitalik để có cái nhìn xa hơn hình thức quản trị biểu quyết dựa trên token hiện tại.
Tham gia thảo luận về Cryptocurrency tại nhóm FXCE Crypto.