Và tại sao các mạng blockchain hiện tại vẫn giống như các mạng Internet vào đầu những năm 80.
Mỗi ngày, chúng ta truy cập vào những website, tương tác với nhiều nội dung khác nhau từ hàng chục máy chủ, mạng và vị trí địa lý. Mỗi trang web chứa các liên kết đến các trang web, iframe, hình ảnh, video, cửa sổ pop-up khác (cửa sổ tự động xuất hiện khi bạn duyệt web) mà chính nó lại được kết nối với các trang web khác. Điều gì đã làm cho những tương tác này trở nên khả thi?
Câu trả lời là ở các giao thức và mạng được xây dựng trong suốt nhiều thập kỷ và các API nằm trên cơ sở hạ tầng này giúp các nhà phát triển có thể gửi nội dung trên phạm vi toàn cầu.
Các giao thức như TCP, IP, BGP và HTTP xác định các tiêu chuẩn giao tiếp, Những nhà Cung cấp Dịch vụ Internet (Internet Service Provider) vận hành các mạng cơ sở và mạng liên kết được cung cấp bởi các công ty như Akamai, phân phối các gói một cách hiệu quả từ mạng này sang mạng khác. Các API như API do Twilio cung cấp giúp dễ dàng xây dựng đỉnh stack (đỉnh cấu trúc dữ liệu dạng ngăn xếp).
Tại sao một nhà phát triển blockchain không thể cung cấp cho người dùng trải nghiệm tương tự? Cụ thể là khả năng tương tác với các ứng dụng và tài sản khác trong toàn bộ hệ sinh thái.
Hệ sinh thái blockchain ngày nay cực kỳ phân mảnh: hàng trăm blockchain, hàng chục công nghệ bridging (cầu nối), người dùng và ứng dụng nằm rải rác trong hệ sinh thái. Chúng ta vẫn đang ở trong những ngày đầu phát triển hệ sinh thái, việc có một số giao thức và API cốt lõi vẫn chưa hoàn chỉnh khiến chúng ta chưa thể đạt được sự chấp nhận ở phạm vi toàn cầu.
Trong chuỗi bài viết sau đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách giải quyết vấn đề. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách tìm hiểu lịch sử của các giao thức Internet và điều gì làm cho mạng máy tính trở nên phổ biến. Sau đó, chúng ta sẽ xem xét hệ sinh thái blockchain hiện có và một số giao thức chưa hoàn chỉnh.
Phần I. Các nguyên tắc của Cerf và Kahn về sự kết nối lẫn nhau.
Nhu cầu kết nối mạng không phải là mới. Chúng ta đã thấy nó được phát huy trong quá trình phát triển của Internet. Các kỹ sư đã tìm ra cách làm cho các thiết bị có thể giao tiếp với nhau trên cùng một mạng, nhiều mạng được tạo ra để lưu trữ các ứng dụng và người dùng khác nhau, nhờ đó nhu cầu kết nối mạng lại gia tăng thêm.
Các giao thức định tuyến (ví dụ: IP, BGP), dịch vụ tên miền (DNS) và các giao thức truyền dữ liệu và cấp ứng dụng (transmission and application-level protocols) (ví dụ: UDP, TCP, HTTP) đã được phát triển để cung cấp lưu lượng truy cập qua các mạng và hệ thống tự trị.
Vinton G. Cerf và Robert E. Kahn đã đặt ra một số nền tảng của các giao thức Internet và phát triển các nguyên tắc cơ bản giữa các mạng [1, 2]. Đây là những yếu tố cần thiết. Bạn cần phải hiểu rõ về nó. Việc xây dựng một hệ thống thực sự thỏa mãn những nguyên tắc là một trò chơi hoàn toàn khác.
Cùng tóm tắt lại các nguyên tắc cốt lõi mà bất kỳ hệ thống tương tác kết nối các mạng riêng biệt với Internet nào cũng phải đáp ứng [1]:
- Không cần thay đổi để tích hợp. Mỗi mạng riêng biệt cần tự đứng vững và không cần phải thay đổi nội bộ để có thể kết nối với Internet.
- Giao tiếp trung gian best-effort (cố gắng tối đa). Kết nối được thực hiện trên cơ sở nỗ lực cao nhất. Nếu một gói tin không đến đích, nó sẽ được truyền lại ngay từ nguồn.
- Kết nối dựa trên Gateway. Các mạng riêng lẻ nên kết nối với các mạng khác thông qua hộp đen (gateways và routers). Các hộp đen này không giữ lại thông tin nào về các dòng thông tin riêng lẻ đi qua chúng, do đó giúp chúng giữ được sự đơn giản và tránh sự thích nghi và phục hồi phức tạp từ các chế độ lỗi khác nhau.
- Sự kiểm soát phi tập trung. Không nên có sự kiểm soát toàn cầu ở cấp độ tổ chức.
Nếu bạn nhìn vào kiến trúc của Internet, nó rất giống với những nguyên tắc này. Các mạng riêng biệt cho biết các giao thức tùy chỉnh của chúng cung cấp mọi kết nối từ cáp đến di động. Routers và gateways kết nối các mạng riêng lẻ và thông tin định tuyến dựa trên các gói IP và BGP. Sau đó, các giao thức truyền dữ liệu và ở cấp độ ứng dụng chịu trách nhiệm chuyển các nội dung cụ thể được đảm bảo.
Phần II. Bối cảnh về khả năng tương tác Blockchain hiện tại.
Các giải pháp hiện tại đối với khả năng tương tác blockchain phù hợp với một trong các nhóm sau:
- Các hệ thống có tính tập trung hoặc liên kết. Rất ít, hoặc thậm chí chỉ một thực thể duy nhất đang kiểm soát và quản lý việc phát triển cũng như triển khai giao thức và hệ thống.
- “Bridge” giữa các blockchain. Chúng ta thấy một vài cầu nối mang tính tập trung trong đó các validator được chỉ định thành một nhóm đại diện, điều này dẫn đến việc không đạt được mục tiêu phi tập trung.
- Chúng ta cũng thấy một số hệ thống phi tập trung, trong đó logic chuyển đổi trạng thái của chain A được phân tích cú pháp bởi chain B (nguyên bản hoặc trong các hợp đồng thông minh). Điều này vốn dĩ không đúng với thuộc tính #1 (trong số những thuộc tính khác). Đầu tiên, chúng yêu cầu kỹ thuật phức tạp để phát triển – đây là những giao thức vô cùng nặng nề và chúng ta đã mất nhiều năm để triển khai.
- Thứ hai, nếu một chain thay đổi, thì logic chuyển đổi trạng thái trên tất cả các chain khác phụ thuộc vào nó cũng phải thay đổi theo. Việc phân tích cú pháp logic chuyển đổi trạng thái của một mạng bằng các ngôn ngữ của mạng khác và ngược lại, vốn dĩ không thể thực hiện được.
- Khả năng tương tác phân cụm giữa một số chain không cần cấp phép và các sister side-chain (subnet – mạng con) của chúng. Một số dự án đang phát triển các chain không cần cấp phép của riêng họ và cho phép khách hàng tạo các side-chain/co-chain/para-chain tương tác với nhau thông qua hub. Tôi là một người rất ngưỡng mộ những hệ sinh thái này. Chúng có thể giải quyết khả năng tương tác vì các side-chain này có chung ngôn ngữ, được phát triển và duy trì bởi cùng một nhà cung cấp nền tảng. Nhưng các giao thức này nhằm mục đích phát triển hệ sinh thái xung quanh chuỗi chính. Tôi sẽ phân loại tương tự như ISP trên Internet bởi vì chúng cung cấp cho người dùng sự “kết nối cục bộ” tốt. Các hub này phải sử dụng các công nghệ khác để giao tiếp với các hub và blockchain sử dụng ngôn ngữ khác.
Kết quả là, các giao thức liên kết blockchain có cùng trạng thái với các giao thức Internet vào đầu những năm 80. Nói cách khác, có rất nhiều tiềm năng để cải thiện!
Chúng ta cần các hệ thống đặt tên toàn cầu, các giao thức hình thành địa chỉ, các giao thức đặt tên, các thuật toán định tuyến có thể mở rộng. Chúng ta cũng cần những thứ tương đương với “IP” hoặc “BGP”. Chúng ta cần các hệ thống hỗ trợ những giao thức này và tuân thủ các nguyên tắc cốt lõi do Cerf, Kahn và những người khác đã phát triển cũng như thử nghiệm trong nhiều thập kỷ.
Tất nhiên, những giao thức blockchain có các đặc điểm và thuộc tính riêng, cần thiết cho hệ sinh thái của chúng ta, chẳng hạn như sự tin cậy, xác thực và tính toàn vẹn thông tin.
Việc xây dựng các kiến trúc và hệ thống phù hợp trên quy mô lớn là một thách thức và đồng thời cũng vô cùng bổ ích. Nhưng khả năng tương tác thực sự sẽ mở ra tiềm năng to lớn cho hệ sinh thái.
Trong các blog tiếp theo, chúng ta sẽ đi sâu hơn vào các nguyên tắc thiết kế cần thiết cho khả năng kết nối giữa các blockchain và sau đó thảo luận về cách tiếp cận mà chúng tôi đang thực hiện tại Axelar.
Tham gia vào cộng đồng của Axelar bằng cách theo dõi các kênh:
Developer Discord | Telegram Community | Vietnam Community | Telegram Announcements | Twitter
Bài viết được Ellie Nguyễn thuộc FXCE Crypto biên tập từ “Why Blockchain Interoperability is just a Buzzword” của tác giả Sergey Gorbunov, với mục đích cung cấp thông tin và phi lợi nhuận. Chúng tôi không khuyến nghị đầu tư và không chịu trách nhiệm cho các quyết định đầu tư liên quan đến nội dung bài dịch.
—————————————————
👉 Theo dõi FXCE Crypto
Group Chat | Research Hub | FXCE Spotlight | Tổng hợp airdrop | Pool Coin