Taylor Swift và Beyoncé sẽ không thể tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế Mỹ khi số tiền tiết kiệm thời kỳ COVID-19 của người dân sắp cạn kiệt.
Taylor Swift, Beyoncé và cơn sốt phòng vé “Barbenheimer” đều mang lại cho nền kinh tế Mỹ một cú hích rất lớn trong mùa hè qua.
Tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ đã tăng 4,9% so với dự kiến trong quý III, theo ước tính được công bố vào cuối tháng 10, đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ cuối năm 2021.
Khoảng một nửa mức tăng trưởng 8,5 tỉ USD được thúc đẩy bởi chi tiêu của người tiêu dùng. Lĩnh vực giải trí và các sự kiện trực tiếp cho thấy vẫn là một yếu tố đóng góp quan trọng.
Tuy nhiên, việc người Mỹ vung tiền mua vé xem hòa nhạc và xem phim trong mùa hè qua không phải tự nhiên mà có.
Hầu hết sự kiện lớn được lên kế hoạch cho năm 2020 và 2021 đều đã bị ngừng hoạt động do đại dịch.
Marc Ostwald, nhà kinh tế trưởng của ADM Investor Services International, trả lời Insider trong một cuộc phỏng vấn: “Một số khoản chi tiêu thực sự không có gì đáng ngạc nhiên. Đây là mùa hè đúng nghĩa đầu tiên trong 4 năm qua. Có một nhu cầu dồn nén là được ra ngoài, đi nghỉ, tận hưởng mùa hè”.
Đồng quan điểm, các nhà kinh tế học của Bloomberg, Anna Wong và Eliza Winger, cho biết vào tháng 8: nhu cầu bị dồn nén để gặp Taylor Swift, Beyoncé và “Barbenheimer” sẽ đóng góp hàng tỉ USD vào GDP của Mỹ, nhưng không với xu hướng lâu dài.
Các khoản tiết kiệm còn sót lại trong thời kỳ COVID-19 đã được chi tiêu, và dường như lượng tiền mặt khổng lồ cuối cùng sắp cạn kiệt.
Thước đo tỉ lệ tiết kiệm cá nhân về thu nhập khả dụng đạt đỉnh điểm 32% khi đại dịch bắt đầu vào tháng 4.2020 rồi giảm dần trong những năm gần đây. Chỉ riêng trong mùa hè này, chỉ số giảm từ 5,3% xuống 3,4%.
Chuyên gia Ostwald bình luận: “Tỉ lệ tiết kiệm đã giảm nên về cơ bản, nhiều người đã chi tiêu vượt quá số tiền họ kiếm được. Hiện tại, họ gặp những trở ngại khác như việc bắt đầu trả nợ vay sinh viên và nhiều rủi ro khác”.
Xét về vĩ mô, kể từ tháng 3.2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng chi phí đi vay từ gần bằng 0 lên khoảng 5,5% nhằm kiềm chế lạm phát. Mặc dù chính sách tiền tệ có xu hướng tác động chậm, nhưng đã bắt đầu siết chặt ví tiền của người Mỹ.
Theo dữ liệu từ Freddie Mac, chiến dịch thắt chặt của FED đã đẩy mức thế chấp có lãi suất cố định trung bình 30 năm lên mức đáng kinh ngạc là 7,8%, trong khi tỉ lệ thất nghiệp cũng tăng đều đặn trong những tháng gần đây.
Nhà kinh tế Eliza Winger của Bloomberg phân tích: “Phần lớn sức mạnh của GDP đến từ các yếu tố tạm thời – các bộ phim bom tấn mùa hè của và các chuyến lưu diễn hòa nhạc của Taylor Swift và Beyonce”.
Bà nói thêm: “FED đã tăng lãi suất chuẩn lên tổng cộng 5,25 điểm phần trăm để làm chậm lại nền kinh tế. Độ trễ của chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế có thể vẫn chưa phát huy hết tác dụng”.
Theo Business Insider