*Bài viết được thành viên Meo thuộc FXCE Crypto biên tập từ tài liệu “Terra: The DeFi Giant Reaching Mainstream Adoption” của Phang Jun Yu, với mục đích cung cấp thông tin và phi lợi nhuận. Chúng tôi không khuyến nghị đầu tư và không chịu trách nhiệm cho các quyết định đầu tư liên quan đến nội dung bài dịch.
Kể từ đầu năm nay, token Luna của Terra đã tăng trưởng mạnh mẽ từ mức vốn hóa 300 triệu USD lên tới 6 tỷ USD. Sự tăng trưởng này có hợp lý hay không?
Trong báo cáo này, tôi sẽ tìm hiểu các yếu tố thúc đẩy Terra, bao gồm các yếu tố tổng quan về Chai, Mirror và Anchor cũng như toàn cảnh hệ sinh thái mà Terra đang xây dựng.
Nguồn: Messari
Tổng quan Terra
Terra là nền tảng bình ổn giá stablecoin được quản trị bởi thuật toán với một rổ token neo với fiat và LUNA token.
Dự án bắt đầu vào 01/2018 với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng tiền mã hóa đại trà bằng các tài sản kỹ thuật số có giá trị ổn định so với các loại fiat. Công nghệ tiền tệ luôn song hành với một mạng lưới thanh toán lớn ( (Alipay với Taobao, Paypal với eBay, Visa với ngân hàng); cho nên Terra ra đời với sự hỗ trợ của Terra Alliance, 15 công ty thương mại điện tử lớn ở Châu Á, xử lý 25 tỷ USD khối lượng giao dịch mỗi năm và có 45 triệu người dùng.
Về bản chất, Terra sẽ thay thế chuỗi thanh toán phức tạp gồm mạng thẻ tín dụng, ngân hàng và cổng thanh toán bằng 1 blockchain duy nhất. Các nhà bán lẻ sẽ được giảm phí giao dịch đáng kể nhằm tiết kiệm vốn để tái đầu tư thông qua các kênh tài chính trong hệ sinh thái Terra.
Nhà tài trợ chính
Các nhà tài trợ chính cho dự án Terra bao gồm
- 1kx
- Binance Labs
- Blockchain.com Ventures
- Coinbase Ventures
- Delphi Digital
- Divergence Digital Currency
- FBG Capital
- HashKey
- Huobi Capital
- Kenetic Capital
- Nirvana Capital
- Polychain Capital
- Zee Prime Capital
Token Economic
Token Usage
Token Type: Native
Mục đích sử dụng: Thanh toán và Biểu quyết
2 loại token chính trong hệ sinh thái Terra là nhóm stablecoin hệ Terra và LUNA.
LUNA đại diện cho khả năng khai thác của mạng lưới các stablecoin Terra. Giao thức Terra trên blockchain Proof of Stake (PoS) được ủy quyền, nơi các thợ đào cần stake Luna để khai thác Terra.
Nhóm stablecoin hệ Terra được gắn với các loại fiat chính trên thế giới. Giao thức phát hành các loại tiền tệ Terra được neo với USD, EUR, CNY, JPY, GBP, KRW và IMF SDR theo thời gian. Nhiều loại fiat sẽ được thêm vào danh sách thông qua người dùng bình chọn.
Phân phối token
1 tỷ LUNA sẽ được phân phối như sau:
- Terraform Labs (10%): được sử dụng để hỗ trợ việc nghiên cứu và phát triển dự án Terra. Terraform Labs cũng nắm giữ thêm 4,5% nguồn cung LUNA thay mặt cho các nhà đầu tư không xóa KYC kịp thời cho việc bán token.
- Nhân viên và người đóng góp (20%): hiện 4.7% của pool đã được mở.
- Terra Alliance (20%): cho các ưu đãi, chủ yếu là các chương trình giảm giá tiếp thị (chẳng hạn như coupon cho người dùng) và ưu đãi số lượng cho các đối tác. Terraform Labs sẽ đóng vai trò người giám sát và lấy ý kiến từ cộng đồng để phân bổ pool này.
- Dự trữ ổn định (20%): quản lý sự ổn định mạng lưới thời điểm ban đầu.
- Thanh khoản Genesis (4%): cung cấp ra thị trường cho phép người dùng hàng ngày sử dụng và tương tác
- Nhà đầu tư (26%):
- Seed-sale: 16 cent cho mỗi LUNA, bán ~192 triệu token. Khóa 10 – 18 tháng, thanh khoản sớm 30%.
- Private-sale: 80 cent cho mỗi LUNA, bán ~18 triệu token. Khóa trước 3 tháng và vesting 6 tháng sau.
Terra cũng đã khai thác 1 tỷ SDT (SDR stablecoin) tại thời điểm ban đầu nhằm tăng cường cơ chế ổn định của Terra – hoán đổi stablecoin sang LUNA. Trong điều kiện phí hoán đổi tăng đáng kể, Terraform Labs hoán đổi SDT sang KRT và bán KRW cho Chai. Khi nhà bán lẻ trên Chai ổn định, Terraform Labs duy trì dự trữ KRW để mua lại KRT.
Cơ chế đồng thuận
Terra Core dựa trên Tendermint, một tập hợp các validator chịu trách nhiệm thực hiện các khối mới trong blockchain. Các validator tham gia vào giao thức đồng thuận bằng các phiều bầu chứa các chữ ký mật mã được ký bởi private key.
Các ứng cử viên validator liên kết với LUNA và nhận Luna “ủy quyền” hoặc stake bởi các holder. Columbus Mainnet sẽ có 100 validator, nhưng theo thời gian, con số này sẽ tăng lên 300 theo lịch trình xác định trước. 100 ứng cử viên hàng đầu stake nhiều nhất sẽ trở thành validator của Terra.
Validator và người ủy quyền nhận các khoản phí sau:
- Compute fee (phí tính toán): Để ngăn chặn spam, validator có thể đặt phí gas tối thiểu cho các giao dịch được đưa vào mempool. Vào cuối mỗi khối, phí tính toán được giải ngân cho những validator tham gia theo tỷ lệ stake.
- Stability fee (phí ổn định): Để ổn định giá trị của Luna, giao thức tính phí giao dịch theo tỷ lệ phần trăm, từ 0,1% đến 1% trên mỗi giao dịch Terra, giới hạn ở 1 TerraSDR. Khoản tiền này được thanh toán bằng bất kỳ loại tiền tệ Terra nào và được giải ngân theo tỷ lệ để stake vào cuối mỗi khối trong TerraSDR.
- Seigniorage reward: Những validator tham gia vào Exchange Rate Oracle nhận được một phần của seigniorage nếu họ báo cáo trung thực và giành được phiếu bầu.
Bên cạnh doanh thu còn có ưu đãi khác:
- Swap fee (phí hoán đổi): Một khoản chênh lệch nhỏ được tính dựa trên các giao dịch atomic swap giữa Luna và bất kỳ loại tiền tệ nào của Terra, sẽ bị burn và tạo khan hiếm Luna và gián tiếp thưởng cho những Validator.
Nếu validator ký hai lần, thường xuyên ngoại tuyến hoặc không tham gia quản trị, thì lượng Luna được stake (bao gồm cả Luna của người ủy quyền) có thể bị cắt. Mức phạt tùy vào mức độ vi phạm.
Quản trị
Loại hình quản trị: Bỏ phiếu trực tiếp trên chuỗi
Module quản trị kế thừa từ module SDK gov của Cosmos. Người tham gia mạng lưới quản trị bằng cách gửi các đề xuất và thông qua nếu bỏ phiếu đạt đến ngưỡng. Cấu trúc đề xuất rất linh hoạt bao gồm cập nhật thông số blockchain cũng như sự phát triển trong tương lai của Terra.
Có 5 loại đề xuất cơ bản:
- Text Proposal (Đề xuất Văn bản) được sử dụng để tạo các kiến nghị chung, chẳng hạn như yêu cầu Core team triển khai một tính năng cụ thể. Cộng đồng có thể tham chiếu Đề xuất Văn bản đã được thông qua để chỉ ra tính năng (có khả năng là soft fork hoặc hard fork) đang có nhu cầu đáng kể.
- Parameter Change Proposal (Đề xuất thay đổi tham số) là một loại đề xuất đặc biệt và sau khi được thông qua sẽ tự động có hiệu lực bằng cách trực tiếp thay đổi thông số mạng. Đối với mỗi module, bạn có thể tìm thấy các thông số được liên kết bằng cách chuyển đến phần Parameters của module.
- Community Pool Spend Proposal (Đề xuất Chi tiêu cho pool cộng đồng) sau khi được thông qua sẽ giải ngân số tiền được chỉ định vào tài khoản Recipient bằng cách sử dụng tài sản từ Community Pool.
- Tax Rate/Reward Update Proposal (Đề xuất Cập nhật Tỉ lệ Thuế / Phần thưởng) cho phép Tax Rate và Reward Weight (Trọng số Phần thưởng) được biểu quyết và thay đổi cho phù hợp, tùy thuộc vào các ràng buộc với chính sách.
- Software Upgrade Proposal (Đề xuất Nâng cấp Phần mềm) hiện chưa khả dụng vì chưa được triển khai. Do đó, vẫn cùng dạng với Đề xuất Văn bản.
Điều gì thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ?
Để hiểu được sức hấp dẫn ngày càng tăng của hệ sinh thái Terra trong thời gian gần đây, trước hết chúng ta cần tìm hiểu đội ngũ phát triển cũng như triết lý đằng sau Terra.
Do Kwon và Daniel Shin, những nhà đồng sáng lập của Terra đều trưởng thành từ Vườn ươm YCombinator, là nơi ươm mầm phát triển cho các công ty công nghệ hàng đầu như Stripe, Airbnb, và Coinbase và hiểu được trải nghiệm của người dùng và adoption (ứng dụng) là các thước đo quan trọng nhất cho các Dự án.
Họ nhận ra rào cản lớn nhất đối với những người mới tham gia thị trường là quá nhiều dự án tiền mã hóa (crypto) và kỹ thuật quá phức tạp, khiến người dùng khó hiểu và sợ hãi. Thay vì ném tất cả sự phức tạp của Defi (tài chính phi tập trung) vào người dùng, họ mong muốn xây dựng hệ sinh thái với cổng thông tin thân thiện kết nối với Defi.
Cách đơn giản nhất để hiểu Terra là xem Terra như một ngân hàng truyền thống hỗ trợ thanh toán, chuyển tiền, đầu tư, cho vay và tiết kiệm nhưng được thực hiện một cách tự động. Terra hoạt động như một mạng blockchain công cộng và do cộng đồng sở hữu, quản lý nên dễ dàng tiếp cận với người dùng Internet trên toàn cầu.
Người sử dụng tham gia hệ sinh thái thông qua đồng stablecoin (đồng tiền mã hóa có giá trị ổn định) của Terra và tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng nêu trên thông qua bộ ứng dụng (app) và giao thức (protocols). Terra cải tiến mô hình ngân hàng hiện nay bằng cách giúp người dùng trên toàn cầu tiếp cận dễ dàng và hoạt động hoàn toàn không vì mục tiêu trục lợi.
Các Stablecoin
Sản phẩm đầu tiên của Terra là một rổ stablecoin được xây dựng dựa trên thuật toán – các đồng tiền mã hóa được neo bằng các đồng tiền pháp định trên thực tế như USD, giúp giảm biến động giá của các loại tiền mã hóa sẵn có như Bitcoin. Terra đã tự thiết kế stablecoin do nhận thấy nhiều vấn đề với các stablecoin hiện nay.
Các stablecoin như USDT và USDC có tính tập trung (Tether kiểm soát nguồn cung USDT) và với các stablecoin được xây dựng dựa trên thuật toán đang cố gắng trở nên phi tập trung như Dai, tài sản luôn bị thế chấp quá mức. Do vậy, hiệu quả sử dụng vốn của các stablecoin này đều thấp và thị trường khó mở rộng.
Các stablecoin của Terra sử dụng thuật toán nhưng không cần tài sản đảm bảo mà được đảm bảo bởi token dự trữ LUNA với nguồn cung cố định. Bất cứ khi nào một UST (USD Terra) ra đời, một lượng LUNA có trị giá 1 USD sẽ bị tiêu hủy.
LUNA giúp UST neo với đồng USD thông qua cơ chế chênh lệch giá. Bất cứ khi nào UST giao dịch trên mức giá neo, người dùng có thể gửi LUNA trị giá 1 USD vào hệ thống và nhận 1 UST. Ngược lại, khi UST giao dịch dưới mức giá neo, người dùng có thể gửi 1 UST đến hệ thống để nhận LUNA trị giá 1 USD. Trong cả hai trường hợp, người dùng được khuyến khích tham gia kinh doanh chênh lệch giá (arbitrage) và giúp duy trì sự ổn định của UST với đồng USD.
Token LUNA nắm bắt hiệu quả giá trị của hệ sinh thái Terra do bất cứ khi nào câu UST tăng, nguồn cung sẽ bị cắt giảm. Do đó, việc tạo ra nhu cầu thực tế đối với các stablecoin Terra chính là Ngôi sao Bắc đẩu định hướng phát triển cho đội ngũ Terra. Hiện nay Terra đã xây dựng một hệ sinh thái vững mạnh đảm bảo người dùng có thể sử dụng đồng stablecoin của Terra trong thanh toán, đầu tư và tiết kiệm.
CHAI – Cổng thanh toán tốt hơn
Ứng dụng chủ đạo đầu tiên của Terra là sản phẩm hợp tác với ứng dụng thanh toán trên nền tảng điện thoại di động CHAI. Cũng giống như cách thức ngân hàng thực hiện chức năng chính là chuyển tiền và thanh toán, CHAI giúp người bán thanh toán các giao dịch một cách dễ dàng. Với 0,5% phí thấp hơn giao dịch thẻ tín dụng (2-3%) và thanh toán tức thời, CHAI đã tiếp cận 5% dân số Hàn Quốc với tổng số 2,3 triệu người dùng.
Ứng dụng CHAI cũng có tính năng “tích lũy điểm thưởng” (boost), theo đó người dùng có thể nhận điểm thưởng khi thanh toán qua CHAI và đổi điểm thưởng ở một số cửa hàng như Nike hoặc Starbuck.
Chương trình này mang lại lợi ích cho cả hai bên do người bán giờ đây có nhiều lựa chọn chấp nhận thanh toán hiệu quả hơn so với việc chấp nhận thanh toán thẻ tín dụng với chi phí cao hơn và tốc độ chậm hơn. Trong khi đó, người dùng có thể sử dụng stablecoin ngay lập tức (và được chiết khấu), mà không cần rút tiền pháp định.
MIRROR – Nền tảng đầu tư phi tập trung
Mirror là giao thức được xây dựng trên Terra nhằm giúp người dùng giao dịch tài sản synthetic (Mirrored asset, gọi tắt là mAssets). Để “đúc ra” mAssets, người dùng cần thế chấp tài sản với tỷ lệ tối thiểu 150%.
mAssets sẽ được giao dịch dựa trên cơ chế AMM (Automated Market Maker – phương thức giao dịch sử dụng thuật toán để tính toán giá token ngay tại thời điểm mua) hoặc các liquidity pool (quỹ thanh khoản) của cặp mAsset – UST. Giá của mAsset được neo tương đối với các đối tác trên thị trường thực thông qua các nhà đầu tư chênh lệch giá và phần thưởng cho việc thanh lý vị thế (liquidation incentives).
Các nhà giao dịch nắm giữ một số cổ phiếu dài hạn sẽ mua và giữ mAssets trong khi việc khai thác mAssets sẽ là cách hiệu quả để bán khống mAsset. Tại sao chúng ta cần platform phi tập trung để giao dịch tài sản synthetic? Trên thực tế, sau sự cố Robinhood từ chối người dùng mua cổ phần Gamestop, giá trị của việc phân quyền trở nên rõ ràng hơn rất nhiều.
Giao dịch trên Mirror diễn ra 24/7 và không bị hạn chế về vốn hay chịu sự ràng buộc của quy định chính quyền các nước. Người dùng có thể đầu tư theo tỷ trọng và hoán đổi nhanh chóng giữa tiền mã hóa và cổ phiếu.
Một yếu tố thường bị bỏ qua là hầu hết người mới làm quen với tiền mã hóa thường do dự khi đầu tư quá nhiều vào tiền mã hóa. Họ thường muốn giữ phần lớn tài sản trong các cổ phiếu quen thuộc.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi giữa cổ phiếu và tiền mã hóa thường kéo theo chi phí cơ hội cao do các tài sản này không được giao dịch trên cùng nền tảng (có thể mất vài tuần để rút tiền mặt). Mirror đã giải quyết vấn đề này và giúp đầu tư vào tiền mã hóa và cổ phiếu trở nên dễ dàng, thông suốt.
Đa phần khách hàng của Mirror hiện nay đến từ Thái Lan do Thái Lan có quy định chặt chẽ về quản lý dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, gây khó khăn cho việc đầu tư vào thị trường nước ngoài của nhà đầu tư Thái Lan. Điều thú vị là Bộ phận về Đổi mới sáng tạo của ngân hàng lâu đời nhất Thái Lan, Ngân hàng Thương mại Siam, mới đây đã thiết lập một nút xác thực trên mạng lưới blockchain của Terra.
Mirror Protocol đã thu hút được 2,1 tỷ USD tổng giá trị tài sản bị khóa (bao gồm tài sản đảm bảo, mAssets, LPs và MIR được ký gửi) chỉ 5 tháng sau khi bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 03/12/2020. Mirror vẫn có một vài lỗi như việc mua mAssets không thực sự mang lại cổ tức cho bạn hay ảnh hưởng đến cầu trên thị trường thực tế.
Tuy nhiên, tất cả chỉ mới bắt đầu và đội ngũ phát triển đang chuẩn bị ra mắt phiên bản cập nhật Mirror V2 sau khi ghi nhận các phản hồi và gợi ý từ cộng đồng.
ANCHOR – Tài khoản tiết kiệm 20%
Anchor là protocol chủ đạo thứ hai trên Terra và có thể là protocol có tính đột phá nhất. Anchor sẽ stake tài sản thế chấp của người đi vay để cung cấp lãi suất cố định 20%/năm đối với đồng UST cho người cho vay. Anchor có thể duy trì thu nhập ổn định cho người gửi nhờ việc stake trên các mạng POS chính.
Đối với hầu hết chúng ta, lợi nhuận 20% trên thị trường tiền mã hóa là mức lợi nhuận thấp nhưng đối với những người không tham gia thị trường tiền mã hóa thì đây là mức lợi nhuận chưa từng có. Trên thực tế, chỉ số S&P500 với mức lợi tức 13,5% thường được dùng làm cơ sở tham chiếu cho các khoản đầu tư nhưng lãi suất thực nhận sẽ biến động, tùy thuộc thời điểm ra vào thị trường.
Trái lại, lãi suất cố định từ việc gửi tiết kiệm stablecoin không chịu rủi ro biến động với thị trường như cổ phiếu. TVL của Anchor, bao gồm tiền gửi và tài sản thế chấp đã đạt 1 tỷ USD khoảng một tháng sau khi ra mắt vào cuối tháng 3.
Sơ đồ dòng tiền trên rất giống với ngân hàng truyền thống. Trong mô hình này, Anchor sẽ tương tác với người đi vay và người gửi tiền. Tiền gửi được dùng để tài trợ cho các khoản vay. Người vay phải thế chấp khoản vay ở mức LTV (Loan-to-value: tỷ lệ khoản vay so với giá trị) tối đa 50% đối với các khoản vay. Tài sản thế chấp là tài sản tạo ra thu nhập, thường là token PoS, hiện chỉ có LUNA. Dưới đây là mô tả ngắn gọn về cơ chế hoạt động của Anchor:
- Người gửi tiền gửi $100 và kỳ vọng sẽ nhận được số tiền lãi $20 trong 1 năm.
- Người đi vay ký quỹ số lượng LUNA với trị giá $200 làm tài sản thế chấp và được vay tối đa $100 với tỷ lệ 50% LTV. $100 này được lấy từ nguồn tiền gửi của người gửi tiền.
- Anchor sẽ stake LUNA và sẽ nhận tiền lãi staking. Giả sử lãi tiết kiệm hiện là 11%APR, Anchor sẽ nhận được $22.
- $20 sẽ được chuyển cho ngưởi gửi tiền dưới dạng tiền lãi hàng năm và $2 dư ra sẽ được chuyển vào quỹ dự trữ thanh khoản của Anchor và có thể dùng mua lại ANC trong tương lai.
Cơ chế này cho thấy cách thức Anchor có thể trở thành protocol tiết kiệm bền vững tạo ra lãi suất APR 20% cho người gửi tiền.
Mục tiêu cuối cùng của Anchor là trở thành “một công ty Stripe trong lĩnh vực tiết kiệm”. Anchor hướng tới sự thuận tiện và dễ dàng khi triển khai protocol này trên các app thanh toán hoặc hệ sinh thái khác. Platform sử dụng Anchor ngày càng phổ biến do tất cả người dùng đều có thể tiếp cận với tài khoản tiết kiệm 20%.
Mục tiêu này có thể hiện thực hóa với CHAI khi người bán có thể gửi tiền trên Anchor để thu về 20%APY, mức lãi cao hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm thấp hơn 1% ở ngân hàng truyền thống. Các app thanh toán khác như (Paypal, Square) sẽ tự loại mình khỏi cuộc chơi nếu không sử dụng Anchor.
Khi Anchor có thể chấp nhận các tài sản đảm bào từ các PoS Layer 1 khác như ETH, SOL, DOT hay ATOM, Anchor sẽ nhanh chóng tiếp cận với các lĩnh vực mới trong hệ sinh thái Defi và thu hút nhiều người dùng hơn.
Người gửi tiền là ưu tiên chính của Anchor. Nếu thiếu thanh khoản, lãi suất có thể được đẩy lên để khuyến khích thanh toán nợ. Việc vỡ nợ hoặc mất khả năng thanh toán sẽ không xảy rado tài sản thế chấp sẽ được thanh lý nếu tỷ lệ LTV vượt quá 50%.
Một vấn đề có thể phát sinh với Anchor là các token lạm phát từ các mạng lưới nhận stake có thể giảm trong tương lai nên phần lãi tiết kiệm có thể không bền vững mãi mãi. Người đi vay đang nhận được lãi suất ròng hàng năm 40% trên tiền vay (mặc dù không được thể hiện trong sơ đồ dòng tiền nhưng trên thực tế bạn được trả để vay) dưới dạng token ANC nhưng chưa chắc người đi vay sẽ tiếp tục tham gia khi không còn những ưu đãi này trong 04 năm.
Khả năng phục hồi của Hệ sinh thái Terra
Với bộ ba chức năng thanh toán (CHAI), tiết kiệm (ANCHOR) và đầu tư (MIRROR), Terra đã xây dựng một hệ sinh thái sôi động đa mục đích dành cho stablecoin. Terra đã giải quyết vấn đề cơ bản về việc buộc phải chuyển đổi tiền mã hóa về tiền pháp định vì đã có những người bán sẵn sàng chấp nhận thanh toán bằng stable trên CHAI. Khi nhu cầu về các dịch vụ này tăng lên, nhu cầu về UST và sau đó là giá LUNA tăng lên.
Khi giá LUNA tăng, người vay Anchor sẽ tăng đòn bẩy và vay thêm UST, số tiền này được đưa vào hệ thống và có thể được dùng để mua tài sản trên Mirror hoặc gửi tiết kiệm trong Anchor. Nhờ vậy, tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về UST và dẫn tới một vòng lặp phát triển, từ đó, củng cố giá trị LUNA.
Các chu kỳ thị trường cũng giúp duy trì khả năng phục hồi của hệ sinh thái Terra. Khi thị trường tăng, người dùng sẽ chuyển sang cổ phiếu và bắt đầu sử dụng Mirror. Khi thị trường giảm, mọi người sẽ cảnh giác với các khoản đầu tư, chuyển tài sản thành tiền mặt và gửi vào tài khoản tiết kiệm 20% của Anchor, tạo ra bánh đà giúp giữ gìn và gia tăng dòng tiền hiệu quả.
Định hướng phát triển của Terra là gì?
Với đội ngũ giỏi, các sản phẩm thân thiện và phục vụ tốt hơn dịch vụ tài chính truyền thống, Terra đang trở thành lực lượng đột phá trong thời điểm giao thoa giữa DeFi và TradFi.
Sắp tới Terra có kế hoạch ra mắt giao thức ETF (Nebula) nhằm tăng lợi tức của nhiều sản phẩm và tài sản synthetics khác nhau, mang đến trải nghiệm UI mạnh mẽ hơn với người dùng (Kash) mạnh mẽ hơn cho người dùng, hợp tác với các công ty lớn và tích hợp fiat với tiền điện tử onramps (Local Terra) nhằm giúp công chúng tiếp cận dễ dàng hơn với UST.
Nhóm Terra đang có những bước tiến nhanh chóng và hệ sinh thái liên tục bổ sung các dự án mới. Tôn chỉ hoạt động chính của Terra là tính thực tế, tính tiện dụng và tính linh hoạt. Hệ sinh thái Terra tạo ra cơ chế hấp dẫn người dùng tham gia giao dịch hoặc tạo ra thanh khoản.
Terra cũng được xây dựng trên Cosmos SDK, giúp Terra dễ dàng có quan hệ đối tác hoặc hợp tác với các dự án khác trong hệ sinh thái Cosmos trong tương lai.
Tương tự như việc Thorchain cho phép crossc-chain swap và Secret Network cho phép áp dụng các hợp đồng thông minh bảo vệ quyền riêng tư, không khó để hình dung cách thức Terra sẽ hình thành các miếng ghép lego tài chính trong tầm nhìn bao quát hơn của hệ sinh thái Cosmos IBC.
Tham gia thảo luận về Cryptocurrency tại nhóm Telegram: https://t.me/fxcecrypto